Đèo Hồng Thu Mán (Quốc lộ 4D - Phong Thổ Pa So)
Có một con đèo có cái tên rất ngộ và lạ: đèo Hồng Thu Mán. Đèo Hồng Thu Mán nằm ở vị trí cách Thị xã Lai Châu mới khoảng 5 km về phía Phong Thổ Pa So ... Trước kia Hồng Thu Mán rất vắng vẻ nay ở chân đèo có một xí nghiệp khai thác đá và sản xuất gạch, trên lưng chừng đèo có vài nóc nhà dân H''Mong khiến con đèo mất đi sự hoang vắng của nó.....
Hồng Thu Mán từng là trận địa của quân đội VN đánh trả quân TQ hồi chiến tranh biên giới 1979. Năm đó (theo lời kể của anh Hải, là người bạn đi cùng tôi trong một chuyến đi mới đây) thì ở tại Hồng Thu Mán, trận chiến xảy ra khá khốc liệt vào trưa và chiều ngày 17/02/1979, lính TQ theo tuyến đường quốc lộ 4D đánh từ Dào San, Ma Lù Thàng, Pa Nậm Cúm đánh về tới TT Phong Thổ.
.
Trưa ngày hôm đó đánh tới Hồng Thu Mán thì bắt buộc phải ngừng lại vì gặp sự đánh trả quyết liệt của quân đội VN... Trận chiến nhùng nhằng kéo dài suốt gần 1 tháng sau thì quân TQ rút chạy... Xác lính TQ nằm trên đèo ngổn ngang, quân VN phải dùng máy ủi đào hố và gom xác chôn....
Đèo Hồng Thu Mán không cao, độ dài của nó có hơn 15 km và dốc không nhiều. Chỉ có phía đèo bên xuống Phong Thổ (Pa So) thì dốc quanh co, có mấy đoạn dốc cua tay áo rất nguy hiểm ... Phong cảnh của Hồng Thu Mán vào mùa xuân thì đẹp hơn với rất nhiều hoa đào rừng nở hồng phía bên dãy núi tay trái bạn nếu đi từ Tam Đường sang Phong Thổ...
Nằm giữa Hồng Thu Mán và dãy núi bên kia là một thung lũng, đến giờ vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của nó. Dãy núi bên tay trái với cây cối khá rậm rạp nhưng chỉ là rừng tạp, cây lớn đã mất hết, đa phần cây nhỏ và dây leo quấn chằng chịt, nhìn chung phong cảnh dãy núi khá nghèo nàn nếu không muốn nói là không đẹp.
Điều đáng chú ý ở đây là Hồng Thu Mán rất hay xảy ra tai nạn, với các thể loại tai nạn, từ bé đến lớn... Cũng có thể do đường dốc của Hồng Thu Mán nhỏ hẹp, tầm nhìn mấy đoạn cua bên Phong Thổ rất ngắn và cua tay áo lại hiện ra đột ngột ở đoạn dốc cao, khó kiểm soát tay lái nếu không quen đường...
Năm 2001, tôi đi Fanxipan về, rẽ qua Lai Châu - Điện Biên đã gặp vụ tai nạn rất hy hữu ở đèo Hồng Thu Mán: Một chiếc xe tải Daewoo 3 chân chở theo 18 ton hàng, vào lúc 12h đêm đã không ôm nổi cua tay áo bên phía Phong Thổ .. thế là lao như một mũi tên từ độ cao gần 30 m trên dốc xuống dưới đèo, nằm chồm lên cái bếp của một nhà dân. Điều hy hữu là 3 người trên xe ô tô không ai chết và bị thương, chủ nhà vừa ở dưới bếp đi ra thì chiếc xe rơi ập xuống. Người không chết nhưng xe ô tô thì gẫy làm ba, bẹp dí ... cái bếp sụm, mấy đôi thùng gánh nước bẹp, vỡ mấy cái chảo và chết 2 con lợn.....
Con đèo này rồi cũng đi vào dĩ vãng nếu tốc độ phát triển đô thị của tỉnh Lai Châu nhanh...
Đèo Măng Giang và đèo An Khê (Quốc lộ 19 - Gia Lai)
< Đèo Măng Giang.
Đèo Măng Giang để lại cho tôi một ấn tượng khó phai mờ từ những năm 1990. Trong chuyến đi định mệnh của chiếc xe khách 54 chỗ ngồi xuất phát từ Buôn Ma Thuột về Thái Bình đầu xuân năm đó đã lấy đi 2 thành viên của gia đình tôi... Cũng có thể một phần do kỷ niệm đau buồn đó đã khiến tôi luôn tìm hiểu và thích chinh phục các con đèo, bằng cả xe máy lẫn xe ô tô, cả xe con lẫn xe tải, thậm chí bằng xe Container mỗi khi có dịp....
Đèo Măng Giang và đèo An Khê là hai con đèo lớn nhất trên Quốc Lộ 19 từ ngã ba Bà Di lên cửa khẩu Lệ Thanh huyện Đức Cơ Gia Lai. Theo kinh nghiệm của cánh lái xe Tây Nguyên, họ luôn đề phòng mỗi khi đi qua Đèo Măng Giang... mặc dù con đèo này về độ dài, độ dốc và độ cao không thể bằng đèo An Khê. Cái mà họ e ngại chính là "zớp" tai nạn của con đèo này. Các vụ tai nạn lớn sảy ra trên QL 19 hầu hết đều xảy ra trên con đèo Măng Giang.
< Nghĩa trang quân đội Pháp trên đèo.
Đường đèo trước đây rất láng mịn. Hồi những năm 87 - 88 đi qua hai con đèo này, xe chạy ro ro và ôm cua cực "ngọt" vì đường quá tốt... Những năm chiến tranh cũng không làm nó hỏng nền cũng như mặt đường, mặc dù đường chưa rộng rãi như bây giờ. Cây cối trên đèo cũng không rậm rạp, thi thoảng còn có buôn làng của người M''nong, Xê đăng và Ba Na nằm cheo leo trên sườn đồi hoặc lọt thỏm giữa thung lũng bên dưới.... Đèo Măng Giang cách huyện lị khoảng 20 km và ngay đầu đèo có một cái biển xây bằng xi măng cực to có dòng chữ: "đèo Măng Giang - Cua gấp nguy hiểm, lái xe chú ý giảm tốc độ" thế nhưng điều nguy hiểm nhất thì vẫn sờ sờ ra đó...... Và chính cái quan trọng nhất và nguy hiểm nhất thì họ vẫn chưa chịu sửa....
< Đèo An Khê.
Số là thế này: Nếu bạn đi từ P''leiku về Quy Nhơn, con đường quốc lộ 19 êm ru chạy về phía Đông đến đầu đèo Măng Giang đều có độ dốc hơi bằng bằng rất dễ làm lái xe lơ là.... Đoạn cua thứ nhất ngay đầu đèo là một khúc cua gắt, nó khuất sau một vách đồi và quặt chéo về phía Nam ... Nếu nhìn từ xa, bạn chỉ thấy cái biển và tầm nhìn con đường cũng vẫn thấy thoáng đãng, bạn sẽ mất cảnh giác và chỉ nghĩ rằng đây mới bắt đầu vào đèo.
Con đường vẫn mịn màng và êm êm, bằng bằng... Thế nhưng khi bạn chưa kịp giảm tốc độ, vừa qua cái biển là cái cua gắt ấy đã hiện ngay ra trước mắt... Phía dưới là cái vực 3 tầng đồi sâu khoảng trên 50 m. Tiếp ngay khúc cua đầu tiên là 2 khúc cua liên tục, rất ngoắt nghéo... chính điều này đã làm cho các tay lái xe lạ địa hình dễ rơi vào tình trạng ôm cua không kịp và mất lái, lao luôn xe xuống vực giống như chiếc xe 54 chỗ đã mang theo 17 người năm 1990... Xe tai nạn vì lơ là cứ tưởng đường bằng.....
Năm đó, chiếc xe xuất phát từ BMT chở theo 63 hành khách về Thái Bình. Đến đèo Măng Giang đã tầm 23h đêm, trên xe hành khách đã ngủ say theo nhịp lắc lư của xe.... Bất ngờ, nghe tiếng la thảng thốt của lái xe và chỉ trong có mấy giây, chiếc xe lao như một mũi tên từ độ cao hơn 50 m trên đỉnh đèo rơi cắm đầu xuống bãi đất trống ở tầng vực thứ nhất..... Hậu quả trên xe chết 17 người và bị thương quá nửa.....
Đèo Măng Giang độ dài thua xa đèo An Khê, phong cảnh cũng không thể so đọ được với đèo An Khê. Từ trên đỉnh đèo An Khê bạn có thể phóng tầm mắt bao quát một phần tỉnh Bình Định với các huyện Tây Sơn, An Lão, Tuy An....
< Đèo An Khê ngày nay.
Đèo An Khê cũng là nơi diễn ra bài học "kinh điển" của ngành vận tải siêu trường siêu trọng khi chở tổ máy tubin phát điện xây dựng nhà máy Thuỷ điện Yaly. Cả một chiếc Tubin nặng hơn 100 ton, đường kính hơn một chục mét được tàu biển đưa vào cặp bến Quy Nhơn rồi cẩu lên nằm "chềnh ềnh" trên sàn 2 chiếc rơmooc đặc chủng 32 lốp đấu đít vào nhau, ... 3 chiếc xe Ural hạng nặng được huy động vào việc kéo chiếc Tubin này lên Sê San. Hai chiếc nhận nhiệm vụ kéo, một chiếc đẩy đít.... 1 xe CA đi dẹp đường.
Chiếc Tubin choán hết cả mặt đường khiến cho việc di chuyển của chiếc xe cực kỳ khó khăn.... Khi lên đèo An Khê, có cả hai chiếc xe xúc ủi đi kèm theo đề phòng trục trặc. Có hơn 20 km qua đèo An Khê mà cuộc vận chuyển tổ máy phát điện này đi mất 3 ngày ròng rã.
Du lịch, GO! - Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12
0 nhận xét:
Đăng nhận xét