Hạ Long - Chuyện bây giờ mới kể - Kỳ 1: Bí ẩn cánh rừng già

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Vịnh Hạ Long rộng 1.553km2 với 1.969 đảo, trong đó có những đảo đẹp, rộng rãi  như Ti Tốp, Tuần Châu… và những hang động huyền ảo như Thiên Cung, Trinh Nữ, Đầu Gỗ…đã được nhiều người biết đến. Nhưng ít ai biết được vịnh Hạ Long còn ẩn chứa bao điều bí ẩn, những cảnh quan thiên nhiên kỳ lạ chỉ có được ở kỳ quan này.

Từ cảng Bến Đoan, xuồng công tác của Trung tâm Bảo tồn di sản và giải trí biển vịnh Hạ Long đưa chúng tôi luồn lách qua những đảo đá có những hình thù kỳ lạ như hòn Bụt Mọc, hòn Con Rắn…

Xuồng chạy được khoảng 30 hải lý, giám đốc trung tâm Nguyễn Việt Dương yêu cầu cho xuồng tấp vào một hòn đảo hoang sơ, rậm rạp nằm heo hút trong muôn trùng đảo đá. “Đây là đảo Cống Đỏ, thuộc vùng bảo vệ tuyệt đối của vịnh, cánh rừng mà chúng ta sắp tới là độc nhất vô nhị của vịnh Hạ Long!”, giám đốc Dương nói.

Thung lũng đảo Cống Đỏ

Vì là đảo hoang, chưa đưa vào khai thác du lịch nên không có bến đậu, phải khó khăn lắm chúng tôi mới cập được xuồng vào đảo trong một ngách kín gió. Bám vào một cây dây leo rừng, chúng tôi đu người vào vách đá, men theo vách đá đựng đứng có những cạnh sắc như dao. Vượt qua vách đá dựng đứng, chúng tôi lại bám theo dây leo để đi xuống một thung lũng mà dọc đường đi lởm chởm đá tai mèo. Đoạn này có nhiều hốc đá tối tăm được phủ kín những cây trầu biển một lá.

Chúng tôi mỗi người phải tự trang bị một đoạn gậy chặt từ những cành cây rừng để phòng chống rắn độc. Giám đốc Nguyễn Việt Dương cho biết trên đảo hoang có khá nhiều loài bò sát như kỳ đà, rắn hổ mang chúa rất dữ dằn. Vào mùa đông chớm rét chúng thường nằm ủ kín trong hốc đá có cây phủ lên trên, nếu sơ ý bước chân vào ổ của chúng thì bị tấn công ngay.

Thung lũng đảo Cống Đỏ đón chúng tôi bằng những tiếng chim với nhiều giọng khác nhau. “Trên đảo thường có nhiều loại chim quý như hồng hoàng, cắt lớn, diều hoa Miến Điện cư ngụ vì nơi đây được coi là hoang sơ nhất vịnh Hạ Long” - giám đốc Dương cho hay. Đi dưới tán rừng già của thung lũng Cống Đỏ, chúng tôi thỉnh thoảng giật mình vì tiếng đập cánh hốt hoảng của chim hồng hoàng cất cánh từ một hốc đá nào đó bay vút lên trời khi phát hiện người đến gần tổ của chúng.

Theo ông Dương, loài chim hồng hoàng có tập tính sinh học rất riêng biệt và đặc biệt là hồng hoàng đực rất giống tính... đàn ông chiều vợ thương con. Khi con cái ấp trứng vào nuôi con non thì chim đực dùng đất bít kín miệng tổ chỉ chừa một lỗ nhỏ, hằng ngày hồng hoàng bố bay lượn khắp đảo tìm thức ăn nuôi chim vợ và chim con.

Len lỏi trong thung lũng Cống Đỏ chúng tôi gặp khá nhiều cây thân to chừng vài người ôm. Rất nhiều cây gỗ quý như lát hoa, trai lý, kim giao… trong cánh rừng già này có tuổi thọ hàng trăm năm, có những cây gỗ to chúng tôi gặp chỉ còn sót lại những mảnh vỏ lượn theo gốc cây. Đi càng sâu vào thung lũng, cây gỗ to càng nhiều và dây leo càng chằng chịt. Từng đàn khỉ vàng nhảy chuyền cành, đu dây leo với âm thanh ồn ã gọi bầy. Những tiếng hú dài chạy dọc vách núi đá hòa với tiếng sóng gió của vịnh Hạ Long bên ngoài thung lũng khiến rừng già như chuyển động.

Vượt qua cánh rừng già chừng hai giờ, đoàn chúng tôi lại đổ dốc xuống một thung lũng nữa, đây là bậc thứ hai của rừng già Cống Đỏ. Nếu như bậc trước của rừng già Cống Đỏ là vương quốc của các loài chim, khỉ vàng, vượn thì bậc này là vương quốc của loài bò sát như rắn, rùa, vích và loài giáp xác vỏ mềm như cua mắt dài, cua mai vuông, cua đá… Đang mải nhìn những con cua mai vuông chạy tán loạn vào những hốc cây cổ thụ trong rừng, chúng tôi bỗng hoảng hồn khi ngay trên đầu có một con trăn to cỡ bắp chân người lớn đang cuộn mình nằm phơi nắng trên một hốc cây chạc ba có dây leo chằng chịt.

“Kho châu báu vô giá”

Điều bất ngờ với chúng tôi khi khám phá rừng già Cống Đỏ là dưới chân bậc hai của thung lũng rừng già trên đảo có năm hồ lớn, mỗi hồ có diện tích chừng 4ha và đều có tên gọi chung là hồ đảo Cống Đỏ. Hồ đầu tiên mà chúng tôi đến đã làm chúng tôi ngỡ ngàng vì xung quanh hồ có rất nhiều cây lá màu đỏ, mặt hồ trên đảo Cống Đỏ phẳng lặng như gương và mực nước cũng lên xuống theo thủy triều bên ngoài vịnh Hạ Long.

“Đây mới là kho châu báu vô giá của vịnh Hạ Long”, ông Dương khẳng định. Nếu như những cánh rừng già Cống Đỏ bí ẩn với nhiều loài cây gỗ quý, thực vật quý như tắc kè đá, trầu một lá, tuế núi đá... và những loài chim thú quý hiếm, thì dưới đáy hồ Cống Đỏ trên vịnh mới thật sự là nơi ẩn mình của kho báu thiên nhiên vịnh Hạ Long. Cách nay năm năm, các nhà sinh vật biển phát hiện nơi đây tồn tại một thảm cỏ biển gồm một loại thực vật bậc cao thuộc lớp một lá mầm, bộ thủy thảo.

Theo ông Dương, hai loài cỏ gồm cỏ xoan và cỏ lươn là nguồn cung cấp thức ăn cho nhiều loại hải sản quý như ốc nhảy, tôm rảo. Đặc biệt, sự tồn tại của thảm cỏ biển trong hồ Cống Đỏ gắn với những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như dugong, rùa biển... là những loài xuất hiện khá nhiều trong khu vực này hàng chục năm trước đây.

Do nằm trong thung lũng của khu vực đảo Cống Đỏ vốn là nơi hoang sơ, heo hút trên vịnh Hạ Long nên hệ động thực vật của khu vực này cực kỳ phong phú. Nước trong hồ chỉ lưu thông với vịnh qua những khe rãnh nhỏ hoặc hang ngầm nên tồn tại nhiều loài sinh vật được hình thành từ xa xưa. Hồ Cống Đỏ cũng là hồ nước mặn nhưng chưa có hoạt động khai thác nào nên vẫn tồn tại những loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, như loài bào ngư chín lỗ, trai ngọc môi đen, mực nang vân hổ…

Trong chuyến khám phá cùng đoàn nghiên cứu sinh vật biển người Úc tháng trước, sau một trận mưa đoàn đã gặp rất nhiều loài cá lạ nổi lên mặt hồ tìm kiếm thức ăn, có những loài mà đoàn nghiên cứu sinh vật biển người Úc cũng không nhận ra được đó là loài cá gì. “Có thể đây tồn tại những loài cá từ xa xưa mà hiện nay họ cũng chưa nhìn thấy bao giờ”, ông Dương nói.

Đi men theo hồ Cống Đỏ, cảnh vật nơi đây như chốn bồng lai, trên mặt hồ đàn chim hồng hoàng với đôi cánh sặc sỡ phấp phới bay lượn kiếm cá, trên sườn núi đá có những cây lá đỏ soi bóng xuống mặt nước trong xanh, sau lưng là rừng già xôn xao với tiếng chim kêu, vượn hót. Quả thật vịnh Hạ Long huyền ảo và hấp dẫn đến lạ kỳ.

Kỳ thú đảo Cống Đỏ

Đảo Cống Đỏ nằm cách Cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 25 km, có diện tích tự nhiên 23,26 km. Đây là một trong những hòn đảo có nhiều trũng biển quanh co uốn khúc và còn hoang sơ nhất trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, điểm nhấn đặc biệt nhất của đảo Cống Đỏ chính là các hồ nước mà nổi bật nhất là hồ nước nằm chính giữa đảo.
.
Hiện nay, do còn hoang sơ nên để đi được vào hồ du khách phải vượt qua sườn núi đá cao, bốn bề cây cối rậm rì. Bao bọc xung quanh hồ là những ngọn núi đá vôi, cao nhất có ngọn tới 172 m. Không cần phải là người có kiến thức về sinh học, du khách cũng dễ dàng nhận thấy hệ sinh thái ở đây vô cùng đa dạng. Trải khắp từ ven chân đảo lên tới gần đỉnh núi, xen kẽ các loài dây leo, cây nhỏ còn có những cây to đường kính tới 30-40 cm. Bên sườn núi, ven hồ nước, từng bụi phất dụ mọc vươn ra ngoài; những cây thiên tuế, địa lan mọc bám chặt vào vách đá, thân cây như tô điểm thêm cảnh vật hữu tình nơi này.
.
Hồ Cống Đỏ có diện tích khoảng 5 ha, gần giống như hồ Động Tiên, có mặt nước ăn thông với biển. Nước hồ trong xanh, phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ hắt lên trời. Tuy nhiên, khác với hồ Động Tiên, hệ sinh thái ở đây dường như đa dạng hơn với rất nhiều các loài tảo, rong rêu, các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ và tôm, cua, cá, mực. Ngoài ngắm cảnh, khám phá tự nhiên thì một thú vui có thể khai thác để nơi đây thành điểm du lịch hấp dẫn đó là câu cá. Chỉ cần thả cần xuống một lát, những chú cá bống háu ăn đã lao tới cắn câu. Chính vì thế, từ trước tới nay người hay lui tới hồ Cống Đỏ không ai khác là những ngư dân.
.
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, phía tây nam của đảo Cống Đỏ có rạn san hô rộng lớn với muôn vàn màu sắc, trong đó có những loài san hô quý hiếm như san hô sừng, san hô đỏ với những loài cá cảnh, cá ngựa cùng sinh sống quần tụ. Đặc biệt, cũng theo các nhà khoa học, phía đông nam của đảo Cống Đỏ còn có dấu vết của thương cảng cổ Vân Đồn, tuy mờ nhạt nhưng điều đó đủ khẳng định đảo Cống Đỏ xưa kia từng là điểm trung chuyển hàng hóa trong hệ thống thương cảng Vân Đồn.
.
Hiện nay, đảo Cống Đỏ đã được quy hoạch trong khu vực Trung tâm bảo tồn, phát triển giải trí biển. Vừa qua, Công ty Du lịch, dịch vụ giải trí Hoàng Anh và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp, khảo sát để xây dựng nơi đây thành một điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long. Với những đặc trưng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, các áng, rạn san hô... độc đáo, đảo Cống Đỏ nói chung, hồ Cống Đỏ nói riêng hứa hẹn sẽ mang lại những khám phá hấp dẫn cho khách du lịch khi đến tham quan Vịnh Hạ Long.

Còn tiếp...

Hạ Long - Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ cuối): Có một Hạ Long anh hùng
Hạ Long - Chuyện bây giờ mới kể - Kỳ 3: Những hang động mới
Hạ Long - Chuyện bây giờ mới kể (Kỳ 2): “Vườn thuốc dân gian” trên biển
Hạ Long - Chuyện bây giờ mới kể - Kỳ 1: Bí ẩn cánh rừng già

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre, Báo Quảng Ninh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc