Chuyện về các con đèo trên khắp mọi miền Việt Nam (Phần 14)

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Chuyện về đèo Rù Rì (Nha Trang)
.
Con đèo này có cái tên nghe rất chi ấn tượng. Cái tên Rù Rì làm người ta nghĩ đến cái dốc cao, xe ô tô và xe máy bò lên cứ rù rà rù rì .... Có phải vậy?

Thực ra, cái tên đèo Rù Rì là cái tên nói về một loài chim, ngày xưa sống rất nhiều ở quanh những ngọn đồi và những vườn cây xung quanh khu vực đèo. Khi chiều tối, nó kêu rất "thảm thiết" và sau mỗi tiếng kêu là những tiếng rù dài trong "cổ họng"...

Chiều tà, tắt bóng dương, đi qua con đường mòn ở chân những quả đồi này, cứ thấy rờn rợn. Có người thì lại bảo, ở quanh khu vực đèo Rù Rì có quá nhiều bãi tha ma, nên oan hồn người chết "ám" vào những con chim đó .... Rợn người!!!
.
Đèo Rù Rì chỉ dài có 3km, từ cuối thành phố Nha Trang đi ra Ninh Hòa và là đường 1 chiều. Nếu đi theo đường quốc lộ 1 cũ từ bến xe ngoại tỉnh Nha Trang đi ra thì đi được, còn nếu đi từ Ninh Hòa vào Nha Trang thì chỉ đi dốc Rù Rì. Con dốc cao mới được làm và chỉ có 1 đường cua lên xuống dốc, chứ không vòng vèo như đèo Rù Rì cũ.

Xung quanh đèo Rù Rì là vô vàn những bãi tha ma. Từ bãi tha ma lính Cộng Hòa đến bãi tha ma người dân. Trên đỉnh đèo còn có 1 cái tượng Đức mẹ Maria giơ tay ban phước cho một vùng đất ngoại thành nghèo khổ. Ở con đèo này, có vô vàn những câu chuyện nên thơ có, đau thương có, cả mới lẫn xửa xừa xưa ....

Hải âu: Những con đèo Bác đã đi qua ,em cũng đã đi qua gần hết rồi ,vì lái xe là nghiệp của em mà !
Nhưng riêng đèo Rù rì này em có một lần chết hụt ở đó ! May mà số cô còn thương ,chuyện là như thế này :

Năm đó là vào năm 94 ,em đang chạy xe khách tuyến Nghệ An- Bảo Lộc Lâm đồng, hồi đó em chạy xe Khách loại IFAW50 do Đã nẵng đóng. Hôm ấy là sau tết, xuất bến trên xe đã gần 80 người cộng với 3 tấn nhíp ở trong xe cùng một nóc đầy hàng hóa và va ly của khách.

Mọi việc trên đường từ Vinh vào đèu thuận buồm xuôi gió - vào đến đèo Rù rì khoảng 11h30 .lên tới đỉnh. Theo thói quen em nhồi chân phanh để kiểm tra phanh, nhồi phát thứ nhát không sao. Bắt đầu đổ đèo thì đạp phanh thấy bụp một cái: mất phanh hoàn toàn! Lúc đó quá choáng, chỉ kịp bảo phụ xe đóng hết cửa lại (sợ khách nhảy ra ngoài thì toi) rồi xe cứ lao như điên xuống đèo. Phía bên Nha Trang rất dốc, xe oto toàn phải rù rì lên bằng số 1 nên gọi là đèo Rù rì .

Lúc xuống đến nửa đèo em đã định cho cả xe vào vách núi đá bên tay phải nhưng run rủi thế nào em quyết định cho nó lao tới đâu thì lao (Vì em quá quen đường biết rằng phía đèo bên nhà máy dệt này là thẳng). Tốc độ lúc đó em áng chừng lên khoảng 120km/h! Tránh được 5 cái xe đi ngược chiều - họ biết em mất phanh lao như điên lên đều phanh lại. Mỗi lần tránh xe là lốp trước lại nhấc lên khỏi mặt đường vì xe chở quá nặng.

Trên xe ai cũng tái mét, một sự im lặng chết chóc khoảng 5 phút... thì hết đèo - Có một đống gạch ,em phi vào ầm phát ủi tan tành đống gạch thì xe mới dừng hẳn lại được còn em thì 15p sau mới hoàn hồn .
Đúng là ơn giời, nhà em phúc to bằng cột đình nên bây giờ em mới ngồi đây kể chuyện hầu các bác được Từ vụ ấy chuyến nào qua em cũng đỗ lại thắp hương ở cái miếu to trên đỉnh đèo.

Sau này mới thấy em may mắn nhiều cái :
- Đèo Rù rì tuy rất tức dốc nhưng ngắn và thẳng, hôm đó mà có nhiều đoạn cua là em các bác xanh cỏ rồi..
- Hôm đó chủ nhật Công nhân nhà máy dệt họ nghỉ hết ,chứ không thì đúng giờ tan ca - ủi đâu chẳng có người ...
-Quyết định xử lý sớm, lấy vách núi làm phanh thì 80 người khách công với 3 tấn nhíp thì hậu quả khôn lường  - em các bác chắc chẳng ngồi đây gõ được bàn phím nữa ...
Đôi lúc thấy sự sống và cái chết gần nhau quá các Bác ạ ...

Báo CA TP HCM: Hiệp sĩ trên đèo Hải Vân

Cuối tháng 5, chúng tôi đang “phượt” trên đèo Hải Vân thì chiếc xe máy bỗng xẹp lốp. Xung quanh chỉ toàn đồi núi, vực sâu thăm thẳm, đèo dốc nguy hiểm, vắng người qua lại, không hề có quán sửa xe nào. Nhìn kỹ vào vách đá, cô bạn tôi thốt lên khi thấy số điện thoại của người sửa xe. Mọi lo lắng tan biến khi 20 phút sau, một người đàn ông chạy xe máy mang theo bộ đồ nghề sửa xe đến. Phút chốc, xe được thay ruột, chúng tôi cảm ơn và trả thêm tiền công cho anh nhưng anh chỉ nhận đúng số tiền thay ruột xe rồi mời chúng tôi lên cái lều gần giữa đỉnh đèo để nghỉ ngơi, uống nước. Anh tên Nguyễn Bừa, trú tổ 44 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng - làm nghề sửa xe di động 11 năm qua trên đèo Hải Vân.

Anh kể: “Năm 1988, tôi hết nghĩa vụ quân sự, về nhà lấy vợ rồi sinh con. Cuộc sống khó khăn lắm, đi biển mà không có tiền mua phương tiện nên không đủ ăn. Thấy mọi người ồ ạt đổ đi các bãi vàng ở Quảng Nam để kiếm ăn, tôi cũng đi theo. Sau bốn năm lăn lộn ở nhiều bãi vàng, tôi chỉ nuôi được cái thân chứ chẳng có tiền gửi về gia đình. Ở trong rừng thiêng nước độc nên bệnh tật hành hạ. Hơn nữa, nạn chích hút, đâm chém, trộm cướp diễn ra như cơm bữa nên tôi trở về nhà làm nghề đi biển. Đầu năm 1999, trong lúc đánh cá thì thuyền bị đánh chìm. Tôi và mọi người trôi dạt đến hải phận của Trung Quốc và được cứu sống đưa về quê nhà. Sau nhiều lần thoát chết ấy, tôi quyết định bỏ những nghề cũ và lên đèo Hải Vân làm nghề đốn củi. Thấy người đi đường bị hỏng xe, phải dắt bộ hàng chục cây số mới có chỗ sửa nên tôi quyết định sắm đồ nghề sửa xe và làm mãi cho đến hôm nay”.

Dù bất cứ thời gian nào, khi khách điện thoại là anh lên đường. Có lúc đêm khuya, dù đang ngủ ngon giấc anh cũng bật dậy đi giúp. Vợ con khuyên can vì trời tối, đường đèo nguy hiểm, nhưng anh nghĩ người bị nạn sẽ nguy hiểm hơn nhiều nếu suốt đêm phải ở trên đèo. Rồi anh tức tốc lấy xe máy đến vá xe cho người gặp nạn. “Nhiều lần, khách đưa thêm tiền để trả ơn nhưng tôi không nhận, chỉ lấy đúng số tiền vá xe là 15 nghìn đồng” - anh nói.

Từ ngày hầm Hải Vân đi vào hoạt động (năm 2005), đã có trạm vận chuyển xe và người nên thu nhập từ sửa xe của anh cũng ít đi. Tuy nhiên, anh vẫn bám đèo ngày đêm vì vẫn có những người đi xe qua đèo, thích chinh phục con đèo “tử thần”, đầy nguy hiểm và cũng để ngắm cảnh đẹp ở đây.
Là người sửa xe duy nhất nơi này, nhưng anh không “chặt, chém” khách. Anh lý giải: “Làm việc gì cũng phải có lương tâm. Ác đến mấy cũng bị quả báo. Người khác bị nạn cũng giống như mình. Dù thu nhập ít ỏi nhưng mình thấy rất vui vì giúp mọi người bình an khi qua đèo”.

Không chỉ sửa xe, anh Bừa còn lo việc cứu nạn, cứu người trên đèo. Năm 2005, anh đã kịp thời cứu sống anh Phan Văn Chung (quê Nghệ An) bị tai nạn khi đang chạy xe máy từ Đà Nẵng ra Huế. Lúc gần tối, trời lạnh và sương mù dày đặc nên anh Chung bị hạn chế tầm nhìn, cả người và xe máy lao xuống cống thoát nước bên đường bất tỉnh. Nhận được điện thoại của một tài xế báo tin có người chết bên đường, anh Bừa đang cùng vợ con ăn cơm tối vội vàng lấy xe máy chạy lên đèo. Đến nơi lúc 21 giờ, thấy nạn nhân còn thở nên ôm lên đón xe đưa đi cấp cứu. Anh Chung qua cơn nguy kịch và sức khỏe ổn định, đã đi làm bình thường. Từ đó, anh Chung và gia đình xem anh Bừa là vị ân nhân.

Tháng 4-2010, anh nhận được điện thoại báo có vụ tai nạn ở ngã ba đi vào công trình đường du lịch bãi Chuối (thuộc địa phận huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế). Một lái xe và phụ xe thiệt mạng do rơi xuống vực cùng chiếc máy múc ở độ sâu hơn 450m. Anh liền cấp tốc xuyên rừng, buộc dây vào gốc cây rồi đu xuống vực để tìm kiếm nạn nhân. Trước mắt anh là cảnh tượng khủng khiếp, hai người đã tan xương nát thịt. Anh cẩn thận nhặt từng phần, gói kỹ rồi đưa lên chờ gia đình nạn nhân đến nhận.

Anh Bừa còn tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên đèo. Nhiều lần, anh báo cáo hoặc cùng với công an, bộ đội biên phòng, dân phòng của hai địa phương ngăn chặn, truy bắt các đối tượng phạm tội ở đèo hoặc khi đi qua đây. Sáng 16-9-2010, anh đến quét dọn một miếu thờ ở gần đỉnh đèo thì phát hiện một xe máy vô chủ nên báo cho các đồn biên phòng gần đó giải quyết, trả lại cho người mất.

Anh còn phụ trách việc hương khói cho các am thờ người chết vì tai nạn giao thông trên đèo. Ngày nào anh cũng lên đèo từ rất sớm, xách nước, lau chùi các am rồi thắp hương xong xuôi mới đi sửa xe. Những người bán hàng rong trên đỉnh đèo thấy hành động của anh nên chung tay đóng góp tiền mua hương, tham gia quét dọn am thờ. Anh tâm sự: “Đèo Hải Vân có rất nhiều người chết vì đây là “cung đường tử thần”. Tôi thắp hương, chăm sóc am thờ chỉ mong phần nào an ủi những linh hồn xấu số và hy vọng họ sẽ phù hộ cho những người đi đường được bình an”.

Rất nhiều người qua đường cũng dừng lại thắp hương. Một số người có tấm lòng đã cúng dường 10, 20, 30 nghìn đồng. Số tiền này, anh Bừa dùng để mua xi măng, cát đá xây mới hoặc sửa chữa am thờ và lo hương khói... Dù nắng mưa, gió bão, người đàn ông đầy nghĩa hiệp vẫn cần mẫn chăm lo cho linh hồn xấu số, tất bật sửa xe cho khách, tham gia cứu hộ cứu nạn cho người và xe trên đèo.

Báo Phú Yên: Tiếng khóc trên đèo Cù Mông

Núi Cù Mông nằm ở phía bắc huyện Đồng Xuân và huyện Sông Cầu. Nửa núi phía bắc thuộc về địa giới huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định, trên núi có trạm Bình Phú là một trạm dịch để liên lạc, thông tin, chạy giấy tờ giữa các địa phương; Phía tây có núi Nhuệ, núi Giả và Hùng Sơn, phía đông có núi Hùng, phía bắc có núi Qui. Núi đồi trùng điệp, địa thế rất hiểm yếu. Nằm chếch lên hướng tây có núi Phú Cốc, còn có tên khác là núi Hổ có hình giống như con hổ nằm phủ phục.

Kế cận với Cù Mông, đáng chú ý hơn cả là núi Chóp Vung nằm ở phía đông cao 676 mét, núi Ông Bai ở phía nam cao 381 mét, núi Hòn Khô ở tây-nam cao 806 mét. Gò Cà trên dãy Cù Mông có một ngôi miếu rất cổ xưa gọi là miếu Phò Giá  Đại Vương, trong miếu lại có ba ngôi tháp lớn đựng đầy xương khô.

Truyền thuyết “tiếng khóc” dựa trên cuộc hành trình Nam tiến gian nan vất vả và nhiều nguy hiểm, được các cụ già ở Xuân Lộc (huyện Sông Cầu, Phú Yên) và Phú Tài (bên kia chân đèo Cù Mông thuộc địa phận Bình Định) kể lại như sau:

Thời bấy giờ, dãy Cù Mông cao và hiểm trở. Khi đoàn lưu dân đến bên này chân núi thì nhiều người trong đoàn đã kiệt sức (do cuộc hành trình quá dài), đặc biệt là phụ nữ. Đèo cao, dốc thẳm, suối sâu khiến nhiều người sợ hãi muốn quay trở lại nhưng không biết phải trở về đâu, đành nhắm mắt đưa chân tiến về phía trước. Một chiều nọ, đoàn người tiến sát đến ngọn núi dốc đứng, ngó lên “trật ót”, liền hạ trại, nấu cơm chiều. Ăn uống xong trời tối sầm. Chung quanh văng vẳng tiếng cọp gầm, vượn hú… thật thê lương. Sau nhiều ngày hạ trại vừa nghỉ dưỡng sức vừa tìm kiếm con đường ngắn và thấp nhất để vượt qua núi hiểm, đoàn người lại tiếp tục bám lấy nhau trèo đèo, vượt dốc, nhưng hầu hết phụ nữ đều không thể vượt qua, một số phải bỏ mạng giữa núi rừng thâm u…

Những nấm mồ chôn cất vội vã không đủ ấm lòng người nằm xuống. Qua thời gian, mưa bão xói mòn lớp đất che phủ, xương cốt theo triền dốc trôi xuống các khe lũng dưới chân đèo. Hàng năm cứ đến mùa mưa bão, từ dưới khe sâu chân đèo vọng lên tiếng than khóc ai oán khiến khu vực này đã quạnh hiu vắng vẻ càng trở nên u tịch huyền bí hơn. Tiếng than khóc nương theo tiếng gió hú rít trên đỉnh càng bay xa, đến nỗi những người tiều phu không dám vào rừng như trước.

Để cho các linh hồn được siêu thoát, người dân bên kia đèo (phần đất Bình Định) cho xây một am thờ nhỏ gọi là am cô hồn. Mỗi năm cứ vào dịp Rằm tháng Giêng và tháng Bảy, các nhà sư đến tụng niệm cúng chay. Dần dà lâu sau đó, có lẽ các linh hồn cô độc đã siêu thoát, nên không còn nghe thấy tiếng khóc bi thương như trước nữa. Ngôi miếu thờ này tồn tại khá lâu, nhưng mưa nắng thời gian và chiến tranh đã xóa dần vết tích, không còn nữa

Như vậy với câu chuyện dân gian về “tiếng khóc” có hai chuyện được kể khác nhau về thời gian: Một là tiếng khóc trong thời điểm sau cuộc Nam tiến và một là trong cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và Chúa Nguyễn được ghi lại ở phần sau.
Vì là truyền thuyết, nên xin ghi lại ở đây như là những cứ liệu dân gian ở các thời kỳ khác nhau.

Du lịch, GO! - Hoangbquang và nhiều người khác - forum Phuot.com
Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc