Cách Trường Sa hàng ngàn kilômet nhưng tại làng Bình Gi, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, Nam Định, không ít người lại nắm rõ từng đảo, luồng lạch ở Trường Sa. Nhiều phụ nữ kể vanh vách đặc điểm thời tiết, hải sản ở đảo. Làng Bình Gi có tới hàng trăm người dân từng ra Trường Sa xây dựng.
Nông dân xây Trường Sa
Làng Bình Gi nằm cách bờ biển chỉ vài kilômet. Ngoài trồng lúa, nghề phụ duy nhất của làng là xây dựng. Trai tráng trong làng cứ ăn tết xong là kéo nhau lên thành phố, ra các vùng khác làm thợ xây. Nhưng một điều lạ là trong tủ kính gia đình nào ở Bình Gi hầu như cũng có một vài vỏ sò, vỏ ốc, những nhành san hô nho nhỏ. Đến nhà ông Lê Văn Biền, một trong những thợ xây giỏi nhất làng Bình Gi, quý lắm ông mới mở tủ cho chúng tôi xem “đồ quý” của mình. Ông “bật mí”: “Vỏ ốc Trường Sa đấy! Đây là báu vật của đời tôi, mang về từ những năm đi làm ngoài đảo”.
.
< Chia tay người thân đi làm nhiệm vụ, xây dựng, bảo vệ bờ cõi quê hương.
Không riêng gì ông Biền, cả làng Bình Gi nhiều nhà cũng có những kỷ vật của Trường Sa. Có người tiếc rẻ: “Trước chúng tôi thấy cái vỏ sò to cả mét nhưng không đem về được”. Làng Bình Gi từng có tới hàng trăm người ra Trường Sa làm thợ. Không chỉ thợ xây, Bình Gi góp cả thợ sắt, thợ mạ, thợ mộc, công nhân phá đá... Người ít thì đi dăm ba tháng, người nhiều đi mấy năm trời, về quê một thời gian rồi đi tiếp. Hỏi chuyện ngày xưa, những người nông dân lam lũ da sạm màu nắng biển cứ vanh vách kể những địa danh: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Song Tử, Sinh Tồn, Đá Lớn...
Những câu hát về Trường Sa thi thoảng vẫn ngân lên đâu đó ở làng. Đây là làng duy nhất từng được huy động quy mô lớn thợ đi xây các đảo ở Trường Sa và nhiều người tròn tay nghề từ Trường Sa, đi làm thợ xong về cho con cháu gia nhập những công ty đang nổi tiếng xây đảo hiện nay. Vì vậy, làng Bình Gi được nhiều cán bộ hải quân gọi vui là “làng xây đảo”.
< Các chiến sĩ vận chuyển bê tông cốt thép đi xây dựng đảo xa.
Câu chuyện cả làng đi xây đảo ở Trường Sa đến với những người thợ làng Bình Gi thật tình cờ. “Đó là một cơ duyên đặc biệt” - ông Đỗ Ngọc Kiên, nguyên đội trưởng đội mạ thép cho đoàn công binh T3, nói.
Hồi đó làng Bình Gi còn nghèo. Nhà ông Biền dăm bảy miệng ăn mà mỗi khẩu chưa được nổi một sào ruộng. Một ngày, cả làng xôn xao chuyện ông Hoàng Kiền, khi ấy là trung tá, chỉ huy trưởng một đơn vị công binh, về quê tuyển người ra Trường Sa. “Lúc đó, ông Kiền nói cần tuyển công nhân có tay nghề cao để tiếp tục việc tôn tạo và xây dựng Trường Sa. Bà con sẽ được trả lương cao gấp đôi ở đất liền, ăn uống không mất tiền. Cả hai bố con tôi xung phong ra Trường Sa xây đảo, vì mình, vì Tổ quốc” - ông Biền nói. Cả làng Bình Gi có rất nhiều người đăng ký nhưng đợt đầu ông Kiền chỉ tuyển chín người thợ giỏi nhất.
Những kỷ niệm không bao giờ quên
< Những mẻ trộn bê tông đã làm nên đảo và giữ vững đảo khỏi giặc ngoài và biển cả.
Bàn tay chai sạn, sần sùi, nước da màu đồng hun, ông Đoàn Văn Tự ở Bình Gi nổi tiếng ở “làng xây Trường Sa” với thâm niên hai “cuộc đời” gắn bó với đảo. “Thuở thanh niên, tôi nhập ngũ, làm chiến sĩ ở Đoàn M71 Hải quân. Sau xuất ngũ, số phận thế nào, thấy tuyển thợ đi Trường Sa, tôi xung phong và được luôn” - ông Tự kể. Dạn dày sóng gió nên ông Tự được đi làm ở khá nhiều đảo, mùa biển động về đất liền, ông cũng được giao làm tổ trưởng tổ sản xuất đá phục vụ xây đảo. Thời đó sức vóc trai trẻ, vác cả tạ lúa.
< Các chiến sĩ thay nhau vận chuyển vật liệu.
Ngày đó, cái ám ảnh nhất là thiếu nước và phải chiến đấu thường xuyên với nắng gió. “Thời đó chỉ có vài cây xanh, anh em căng bạt ra, cứ thấy nao nao chuẩn bị say nắng thì chạy vào nghỉ một chút, rồi lại ra làm” - ông Tự nói. Xây được một hàng gạch ở Trường Sa bằng xây cả bức tường ở đất liền, ông Lê Văn Biền hồi tưởng: “Vữa để xây ở đảo phải trộn bằng nước ngọt, nhiều lúc phải dành nước ăn để trộn. Đôi khi ximăng ở trong bao, nước biển không vào được nhưng khi anh em bê, mồ hôi quyện vào nhiều đến nỗi bị vón thành cục”.
Tuy nhiên, xây được rồi, đôi khi người thợ lại đứng... khóc vì mưa kéo đến, công sức cả ngày tự dưng biến mất.
“Những bờ tường mới xây che chỉ được một phần, phần còn lại mưa tróc hết vữa, có cơn dông mạnh thì giật đổ luôn tường - ông Biền kể - Anh em gặp cơn mưa ai cũng đứng giữa trời để được tắm thoải mái. Nhưng có đợt mưa to quá, vữa trôi hết, sợ không đủ vật liệu làm, anh em chiến sĩ, cán bộ chỉ huy và thợ cùng đứng ngây ra khóc. Tay anh nào cũng phải cầm bao nilông tranh thủ tích nước. Rồi tự nhiên tất cả cùng quăng ra, lao vào chống tường. Mãi đến khi thấy nguy hiểm, quân lệnh yêu cầu tất cả vào nhà, mọi người mới chịu vào. Mình nhiều lúc cũng cứ thấy mặn mặn ở môi khi những bức tường bị gió thổi bay”.
< Chiếc tàu HQ503 là chiếc tàu lớn nhất VN lúc bấy giờ chuyên chở vật liệu ra Trường Sa.
Sức mạnh của thiên nhiên khó nơi nào thể hiện thường xuyên và mạnh mẽ như ở Trường Sa. Đi xây đảo ở Nam Yết, ông Tự nhớ lại có lần đang đứng thì trời tối tăm mù mịt, ông cùng anh em chỉ kịp chạy vội vào công sự gần đó trú ẩn. Sóng nổi lên được một lát thì bỗng thấy cả một bồn đựng đầy 25.000 lít xăng bị cuốn bay mất. “Tôi không tưởng tượng nổi, nếu nghe ai nói thì chắc chắn bảo nói dóc, nhưng thiên nhiên ở đảo quả ghê gớm”.
Còn anh em ông Đỗ Văn Phông và Đỗ Văn Đoàn, vốn là hai thợ mộc giỏi nhất làng, lại nhớ những ngày làm “quên ăn quên ngủ, làm đi làm lại” vì Trường Sa. Ra đảo làm bàn, ghế, giường, tủ, cửa, ông Đoàn kể: “Chúng tôi làm cẩn thận lắm. Về báo cáo đinh sắt đáng đóng một cái, chúng tôi đóng 2, đảm bảo chắc 10-20 năm”.
Nào ngờ lãnh đạo trung đoàn 83 bắt... tháo ra đóng lại hết. Thời đó chưa có đinh inox nhưng quân lệnh yêu cầu đi đặt, thay 100% đinh, ốc, bản lề sắt thành inox. Ai cũng ngạc nhiên bảo “chơi sang” nhưng sau này mới thấy đúng là đinh sắt chỉ vài năm là cửa... rời ra hết.
Tình Tổ quốc
Ông Đỗ Văn Phông thì “lấy làm lạ” vì khả năng làm việc của mình thời đó. “Chúng tôi được tàu chở đi dọc các đảo Đá Đông, Đá Lát, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Đá Lớn... Say sóng nôn mật xanh mật vàng, vậy mà toàn bộ giường, tủ, bàn ghế mỗi đảo chỉ làm trong hai ngày là xong”. Tàu đã lên lịch, cứ đúng giờ nhổ neo, hơn nữa, ông Phông kể nhà ở đảo không cửa như nhà không nóc, mưa là ướt từ đầu đến chân. Nhìn đôi mắt những người lính ở đảo, ông Phông bảo “chả thấy mệt nữa, vì so với họ thì mình... sướng quá”.
Với ông Đoàn Văn Tự, câu chuyện tiếp tục đi xây Trường Sa là chuyện được kể để giáo dục con cháu. Mỗi đảo xây xong, tấm bia đá chủ quyền được làm mới lại, khắc tên nước, kinh độ, vĩ độ.
< Nhà lắp ghép trên đảo chìm.
“Có lần tôi chứng kiến cảnh một anh tên Thống, cán bộ đơn vị T3, đưa tấm bia chủ quyền để tiếp tục làm mới cho công trình. Xuồng vào gần bờ thì sóng to quá bị lật. Anh Thống không biết bơi, hô ầm lên. Anh em tới cứu. Sóng đánh cao cả mét, chỉ nắm được tóc Thống, thi thoảng nhấc lên cho thở. Thế mà khi vào đến đảo, Thống vẫn... ôm khư khư cái bia chủ quyền nặng cả chục ký. Anh em chiến sĩ ấy đã khiến chúng tôi cảm phục để làm tốt hơn công việc của mình. Cái tình Tổ quốc ở Trường Sa lớn lắm” - ông Biền nói.
32 năm phục vụ trong đoàn công binh M31, 28 năm lênh đênh “vác đá xây đảo” khắp các công trường trên các đảo nổi đảo chìm ở Trường Sa, với thượng tá Trần Quốc Thống, nguyên trung đoàn phó đoàn M31, chuyện về Trường Sa không bao giờ cạn.
Những trang sổ công tác đã ố vàng, những tấm ảnh kỷ niệm đã mờ nhòa nhưng ký ức thì vẫn nóng rát như nắng Trường Sa, vẫn ào ạt như sóng gió đại dương và ấm nồng như những nụ cười, giọt nước mắt người lính.
Ký ức sâu đậm nhất gắn liền với đảo chìm có cái tên đẹp nhất: đảo Tiên Nữ, điểm cực đông của lãnh hải Việt Nam.
Sự cố bất ngờ
“Sau Tết Mậu Thìn (1988), trung đoàn M31 nhận nhiệm vụ ra Trường Sa. Vợ tôi đang mang thai đứa con thứ hai, ấy vậy mà khi nghe báo tin đi nhận nhiệm vụ ngoài đảo, cô ấy chỉ hỏi một câu nhẹ như bấc: “Khi nào anh đi?”. Sự sẵn sàng ấy của vợ đã tiếp sức cho tôi rất nhiều”, sau hơn 20 năm, ông Thống vẫn nhớ từng chi tiết...
Năm 1988 thời khó khăn, những chế độ, tiêu chuẩn ưu đãi cho người lính đảo gần như không có. Đúng là thật khó để ra khơi, nhưng các đơn vị đều sẵn sàng. Bộ khung phối hợp giữa cán bộ kỹ thuật và lính nghĩa vụ hình thành, tiểu đoàn 884 của đại úy Thống tập kết ở Nha Trang để sẵn sàng lên đường.
< Công binh vận chuyển vật liệu xây dựng nhà trên đảo Tiên Nữ năm 1989.
Sau mấy tháng mồ hôi làm mặn thêm biển, căn nhà cấp 1 có bốn tầng kiên cố đầu tiên đã mọc lên giữa vành đai san hô tuyệt đẹp của đảo Tiên Nữ. Cả khung 75 người vẫn ở trên pôngtông (một loại bè nổi - NV) để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trong lúc chờ tàu ra đón.
Năm 1988 nhiều biến cố, cả biển cũng động sớm hơn dự báo. Tàu Hạ Long 01 chưa ra tới đảo Tiên Nữ đã gặp sóng to gió lớn mắc cạn. Trên chiếc pôngtông bập bềnh, ông Thống giấu kín thông tin tàu mắc cạn, vẫn bình thản chỉ huy toàn khung tiếp tục công việc, gia cố thềm đảo và chờ. Sóng ngày một to hơn, thời gian cũng ngày một dài ra. Đã hai tuần kể từ ngày hẹn, tàu vẫn chưa tới.
“Hôm ấy nước dâng cao, sóng cuộn xoáy như muốn cuốn pôngtông ra biển. Công việc không tiếp tục được, tâm trạng sốt ruột, hoang mang bắt đầu lan ra. Giữa lúc đó, một con sóng giật đứt một đầu dây xích neo pôngtông. Chỉ còn có ba góc, cả cái pôngtông rộng hàng trăm mét vuông với 75 con người rung giật dữ dội và bắt đầu trôi đi...”.
Trên gương mặt ông Thống hôm nay, giây phút căng thẳng hai mươi mấy năm trước như quay về.
Sinh mạng của 75 con người đặt nặng lên vai ông, nhưng đó vẫn chưa phải là gánh nặng nhất. Pôngtông bị cuốn trôi đi còn có nguy cơ sẽ bị sóng đánh đập vào nhà cấp 1 vừa xây xong gây thêm thiệt hại. Tín hiệu cấp cứu gửi về bộ chỉ huy nhận được một lúc hai thư trả lời. Tư lệnh: “Bằng mọi giá phải cứu pôngtông”. Phó tư lệnh: “Bằng mọi giá cứu nhà cấp 1”. Cuộc họp ban chỉ huy ngay trên pôngtông đang giật, đang lắc, đang trôi quanh quẩn rơi vào thế bí.
< Xây mới nhà cấp 1 trên đảo Tiên Nữ, tháng 3-1988.
Trung úy đảo trưởng đề xuất huy động tất cả mọi người, mọi phương tiện múc nước biển đổ vào các khoang của pôngtông để tăng sức nặng, hi vọng pôngtông ngừng trôi. Ông Thống gật đầu và cho triển khai ngay dù biết rằng các loại thùng, xô có thể múc nước đã hư hỏng gần hết sau mấy tháng thi công, dây thả xuống, nước múc lên cũng sẽ bị gió tạt hết sang hướng khác. “Tôi nói với anh em: Dù mỗi xô nước kéo lên chỉ đổ được một giọt vào khoang pôngtông thì một ngày chúng ta cũng đổ thêm được một tấn nước để tự cứu mình...”.
Tấm ảnh Bác Hồ
Trong lúc ấy thì ông đã tính đến một phương án khác. Chia người ra làm hai nhóm. Một: 50-60 người, đợi lúc pôngtông trôi gần nhà cấp 1 thì nhảy xuống biển bơi sang giữ nhà, giữ đảo, chờ tàu. Nhóm này xác định sẽ không mang theo thứ gì trên người để đảm bảo có thể sang được đến nơi, dù nhà cấp 1 khi ấy chỉ là nhà trống, không lương thực, không nước uống. Hai: những người còn lại ở lại với hi vọng cứu pôngtông và giữ không cho nó đâm vào nhà cấp 1. Trường hợp pôngtông bị cuốn ra biển thì khi trôi đến bờ bên kia của vành đai san hô phải cố bò lên các mô đá chờ tàu cứu.
“Phương án đứt ruột, nặng lòng chỉ huy nhưng không thể không tính. Thật may, anh em bằng lòng ngay và cậu Thuật, sĩ quan phụ trách hậu cần, đã xung phong chỉ huy nhóm ở lại pôngtông, đồng nghĩa với chấp nhận hi sinh. Anh em nhìn nhau không dám rơi nước mắt. Tôi lại phải nghĩ ra một cách nữa để động viên tinh thần chiến sĩ...”.
Ông Thống lấy tấm ảnh Bác Hồ ở bìa cuốn sổ công tác, bọc nilông, trao cho một chiến sĩ bơi giỏi nhất lao xuống biển bơi sang nhà cấp 1. Tấm ảnh được đặt lên ô cửa sổ của nhà, hướng ra phía pôngtông. “Bác đang nhìn chúng ta, sẽ phù hộ cho chúng ta” - ông nói với anh em như thế.
Khi trôi về phía nhà cấp 1, chính căn nhà cao sừng sững lại thành một tấm khiên chắn bớt gió, bớt sóng cho pôngtông. Thấy thời tiết bắt đầu dịu bớt, những người đã được chọn vào nhóm 1 lại nắm níu không muốn bơi vào nhà, kể cả ông Thống cũng ngần ngừ “đợi thêm lúc nữa xem sao”. Lúc nữa, lúc nữa, lại thêm mấy cái lúc nữa... Cuối cùng, phía chân trời hiện ra bóng tàu Hạ Long 01, cuộc chia tay sinh tử không phải xảy ra. Vậy là họ đã hai ngày đêm chiến đấu...
Du lịch, GO! Theo Tuoitre, HNT và nhiều nguồn khác
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 1
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 2
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 3
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét