Niềm tự hào Tốc Tan
.
“Đây là niềm tự hào nhất của tôi”, thượng tá Trần Quốc Thống chỉ vào tấm ảnh chụp căn nhà cấp 1 ở đảo Tốc Tan năm 1990.
Nhà cấp 1 ngày đó còn thô phác như một cái lô cốt hình trụ, màu bêtông xám như muốn lẫn vào trời biển, mấy ô cửa sổ nhỏ hẹp hình chữ nhật như mấy con mắt. Ngón tay của ông chỉ lên nóc nhà, trên đó có một hình khối được đặt trên cột ximăng, mặt quay chính diện ra trước máy ảnh còn đọc được dòng chữ mờ nhòa màu đỏ: “CHXHCN VN - đảo Tốc Tan - kinh độ: 08o48’N; vĩ độ: 113o59’E”.
Thuốc thử bản lĩnh
Ông Thống kể ngày ấy Tốc Tan là đảo thứ ba mà ông đến xây dựng. Những tấm bia chủ quyền nối tiếp dựng lên như một kế tục quyền làm chủ biên cương trên biển từ bao thế hệ cha ông truyền lại. Bia hình khối hộp tam giác ba mặt, chữ đắp nổi bằng ximăng. Một mặt là quốc kỳ, mặt thứ hai là quốc hiệu, tên đảo và tọa độ, mặt thứ ba là tên đơn vị thi công.
.
Nghe chúng tôi kể chuyện được đến Trường Sa, được chơi bóng chuyền ở sân đảo nổi, được hóng gió trên lầu cao ở đảo chìm, ông Thống cười tự hào: “Công trình của công binh chúng tôi đó!”.
Niềm tự hào thật là to lớn của một người chỉ huy. Còn người làm quân y kiêm hậu cần của Đoàn M31 như trung tá Lê Văn Học thì có niềm tự hào về những bí quyết bảo quản thuốc men, rau củ, ngón nghề ủ giá, làm đậu phụ, nuôi heo, nuôi gà, vịt dưới hầm tàu để đảm bảo được bữa ăn cho anh em những ngày chưa có lấy một mặt phẳng làm chỗ trồng rau. Những người lính tự hào về những ngưỡng của thể lực, của lòng quyết tâm mà mình đã vượt qua. Chính trị viên Đoàn M31 như trung tá Lê Văn Hữu cứ nhắc mãi về tính đồng đội, tính trong sáng đến tuyệt đối của những con người ngoài biển khơi...
Niềm tự hào có cả trong câu chuyện về hai thùng nước ngọt 200 lít còn lại cho cả 80 con người mà tàu tiếp nước, tiếp hàng thì không biết bao giờ mới tới. Nát óc suy nghĩ, ông Thống ra lệnh pha thêm nước biển vào để nước ngọt biến thành nước lợ và chỉ sử dụng để nấu canh, nấu cơm, cắt hết phần nước uống của cả cấp chỉ huy. Những bữa ấy cơm nấu không chín, vị mặn ở khắp nơi nung cơn khát, anh em nhìn nhau không ai nói một lời, quay đi để giấu cái nhăn mặt.
< Tàu Vàm Cỏ 24 chở 2000 tấn cát đá xi măng ra để xây dựng ngôi nhà bát giác cho những người giữ đảo. đảo vào mùa xuân năm 1988.
Sau hai ngày thì tàu tới. “Tôi nghe nhẹ cả người vì đã có nước cho anh em, lại tiếc hai thùng nước ngọt đã biến thành bốn thùng nước lợ phải đổ bỏ. Nhưng rồi nghĩ thấy cũng hay, thỉnh thoảng lại có những tình huống như là liều thuốc thử cho bản lĩnh, cho tình cảm, cho sự gắn bó của đội mình. Cứ qua một lần như vậy lại thương nhau hơn...”.
Những liều thuốc thử ấy của đời công binh nhiều lắm, những câu chuyện cứ miên man trong ngày họp truyền thống của Đoàn M31 mỗi ngày 6-11 hằng năm.
“Trường Sa khổ mà vui...”
Trung tá Hữu cười khà khi bật mí: dưới thềm ximăng của đảo anh em thường dùng que vạch một câu ghi dấu: “Trường Sa khổ lắm nhưng mà thật vui”.
< Công binh vận chuyển vật liệu xây dựng nhà trên đảo Tiên Nữ năm 1989.
“Ở trong bờ không thể tưởng tượng được sự vất vả của công binh ngoài ấy, trong những ngày ấy” - ông Hữu chỉ nói vậy. Hàng ngàn tấn đá, cát, ximăng, sắt thép đi qua vai người lính công binh, cả thềm đảo, cả các công trình xây từ những bàn tay trần bợt bạt vì ngâm nước, trên không có mái che nắng lửa, dưới không có chỗ đặt chân khỏi mặt biển, sụp tối không có điện, vật liệu xây dựng mau chóng bị ăn mòn bởi nước mặn, áo quần, găng tay, giày vớ mau chóng bị mục nát vì ngấm muối, vì cọ xát... Chỉ có thịt da con người là vẫn còn và mồ hôi còn mặn hơn nước biển.
“Bệnh ngoài da hầu như ai cũng bị vì ngâm nước muối, tuột da tay, giập, đứt ngón tay cũng xảy ra thường xuyên trong giai đoạn kéo xuồng”, trung tá Học kể. Nhưng nguyên tắc của lính là không nghỉ ngơi, không rảnh rỗi nên những người bị bệnh, bị thương vẫn bình thản nhận những công việc phù hợp hơn, tiếp tục làm việc mỗi ngày trên 14 tiếng, tiếp tục chuyển hàng tấn vật liệu mỗi ngày và bệnh tật cũng trôi luôn xuống biển, ngấm xuống làm cứng hơn nền đảo.
< Buổi chào cờ đầu tuần trên Đảo Thuyền Chài.
Đã có những hi sinh không tránh khỏi của anh em công binh. Ngày 9-5-1988, trong lúc giật mìn để tạo hố móng, anh Nguyễn Văn Vĩ (quê Nghệ An) bị sức ép của mìn, của sóng tạo ra từ vụ nổ, hi sinh. Ngày 20-6-1989, khi cẩu hàng xuống xuồng để kéo vào đảo, giữa những cơn sóng lắc, bốn người phải kéo căng dây chỉnh con xuồng chao đảo, bập bềnh, đỡ khối hàng xuống cho cân. Sóng gió tạt ngang, khối hàng chao nghiêng một bên đánh văng anh Nguyễn Duy Thiệu (quê Quảng Ninh) xuống biển. Khi anh em lặn xuống vớt được lên anh đã tắt thở. Cả hai cùng hi sinh ở đảo Đá Lớn ở độ tuổi 20.
Những người ở lại không một ai nản lòng. “Là chỉ huy, tôi rất cảm kích với sự chia sẻ của anh em. Hễ nước lên, bất kể ngày đêm các chàng trai của chúng tôi vẫn lao xuống biển kéo xuồng, có khi họ vừa kịp chợp mắt, có khi bộ quần áo vừa kịp khô, có khi lòng bàn tay chưa hết rỉ máu...”, ông Hữu bồi hồi nhắc.
< Điểm ném đá xây mới nhà cấp 1 bêtông cốt thép trên đảo Tốc Tan A tháng 3-1999.
Những ngày ấy, người sĩ quan đóng vai trò khung trưởng như ông luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió với nghĩa sát thực nhất. Trong tấm ảnh chụp hiếm hoi ngày đặt viên đá xuống chân móng đảo Thuyền Chài, toàn thân ông Hữu ngập dưới nước, chỉ nhô lên cái đầu. Tàu vừa neo, ông đã là người đầu tiên lao xuống làn nước thăm thẳm xanh bơi vào đảo, tìm chỗ buộc dây kéo xuồng chở đá. Ông cười nụ cười sảng khoái sau mấy mươi năm “chỉ huy không đi trước thì làm sao điều động lính được”.
Những công trình ấy đã tiếp tục mọc lên nhanh không kém tốc độ xây dựng hiện đại hôm nay và “chất lượng thì chỉ có từ 100% trở lên mà thôi”, ông Hữu lại cười. Ông nói động lực thúc đẩy nhanh tiến độ, giám sát đòi hỏi chất lượng công trình cao nhất: thiên nhiên. Gần tới mùa gió bão là công trình buộc phải hoàn thành.
Chinh phục đại dương
< Công binh tập kết đá xây nhà cấp 1 trên đảo Len Đao, tháng 5/1989.
Đi xây đảo từ năm 1989, cái thời chưa có xuồng máy để chuyển tải mà chỉ dùng tay kéo xuồng chở vật liệu từ tàu vào đảo, từ lúc chưa có máy trộn bêtông mà phải trộn bằng tay với những dụng cụ thô sơ... những ký ức về Trường Sa của trung tá Lã Ngọc Tuân - chủ nhiệm chính trị E83 - vẫn sống động sau gần 20 năm...
Tháng 6-2007, chính trị viên tiểu đoàn 885 Lã Ngọc Tuân được giao nhiệm vụ làm khung trưởng khi xây âu tàu ở đảo Song Tử Tây.
< Đường vào đảo Đá Đông.
“Thời gian thi công đúng vào lúc biển động - ông Tuân nhớ lại - ở quần đảo Trường Sa, về mức độ dữ dội của sóng gió thì đảo Song Tử Tây chỉ đứng sau đảo An Bang! Công binh vẫn đội mưa đội gió chuyển tải đá hộc vào đảo để tạo thành phần thân đê. Sóng quá to. Xuồng lắc, tròng trành dữ dội. Anh em trên xuồng bị say sóng, nôn ọe ngay lúc cúi xuống để bưng đá”.
Từng viên đá hộc được quăng vào những vị trí đã đánh dấu bằng hệ thống cọc tiêu để tạo thành khuôn hình của thân đê.
“Chúng tôi xác định: làm không chỉ cho khung mình mà còn cho đồng đội sau này đỡ vất vả. Đá hộc được xếp trong rọ và liên kết với nhau. Phần đầu của đê sóng gió đánh nhiều quá, rọ bị đứt, một số viên bị sóng cuốn ra xa. Chờ khi nước cạn, anh em lại đóng bè đi gom từng viên về xếp lại”.
< Nhà thuộc hai thế hệ 1988 và 1999 trên đảo Tốc Tan A.
Cứ thế mất ba năm (từ tháng 7-2007 đến tháng 8-2009), hàng ngàn tấn đá hộc chuyển ra mới xếp thành khuôn hình kè chắn sóng âu tàu. Tính ra mỗi năm, suốt sáu tháng trời công binh mới làm được hơn 100m thân kè.
Khó khăn lớn nhất là chuyển tải đá hộc vào vị trí tập kết trên đảo. Anh em chuyển tải bằng xuồng cũ một đáy, bề ngang chỉ rộng hơn 2m, thành xuồng cao 1m, khi lấy đá ra rất vất vả và nguy hiểm bởi sóng luôn làm xuồng lắc lư, tròng trành. Đã vậy, xuồng một đáy rất hay bị thủng. Mỗi lần xuồng thủng, anh em công binh phải huy động 20 người đẩy xuồng lên nền san hô để hàn.
“Rồi bão, áp thấp nhiệt đới hoành hành. Có ngày chúng tôi chỉ chuyển được 10 tấn đá hộc. Trong khi những ngày biển êm, anh em chuyển được 100-150 tấn đá một ngày. Định mức bình thường của một chiến sĩ là 3-4 tấn hàng một ngày. Trong khi đó, thời gian cho anh em là trong 10 ngày phải chuyển hết 1.000 tấn hàng!”, trung tá Tuân khẽ chép miệng khi kể lại.
Sáng tạo công binh
< Công binh M31 xây kè chắn sóng ở đảo Song Tử Tây tháng 5-2008 - Ảnh: E131 cung cấp.
Trung tá Tống Văn Hóa - chủ nhiệm kỹ thuật của Trung đoàn E83 - đã sáng tạo loại xuồng... lật. Đó là loại xuồng rộng gấp đôi xuồng cũ, có hai khoang đặt hai máy bơm nước. Xuồng được đóng kín, thành xuồng không cố định và chỉ cao 30cm.
Gần tới vị trí đổ đá, máy bơm ở khoang 1 sẽ bơm nước vào làm đầy khoang. Còn máy bơm của khoang thứ hai sẽ bơm nước ra. Khi đó, trọng lượng một bên xuồng giảm 50% và nghiêng qua bên khoang đầy nước.
Anh em thấy xuồng nghiêng đến một độ an toàn để đá đủ sức trượt xuống biển thì rút chốt thành, đá tự động tuột xuống. “Trước, một xuồng cần 7-8 người quăng đá và phải mất 15-20 phút thì bây giờ chỉ cần hai người (một giữ neo, một sử dụng máy bơm) và mất 10 phút”, ông Tuân tự hào nói.
Sau này xuồng lật thế hệ thứ hai được cải tiến: chỉ cần một máy bơm. Máy bơm của bên khoang hút nước vào được thay bằng một van. Chỉ cần vặn van ở đáy xuồng là nước tự động chảy vào khoang.
< Chuyển vật liệu cho công trình kè chắn sóng ở đảo Song Tử Tây năm 2008 Ảnh: E131 cung cấp.
Việc thi công trên đảo luôn gặp nhiều khó khăn. Công binh phải mở luồng để xuồng đi lại thuận lợi và phải dùng thuốc nổ phá một vùng san hô tạo luồng đá rộng 3m. Sau khi nổ, việc lấy và chuyển san hô đổ ra xa gặp rất nhiều khó khăn. Anh em phải vét sạch những cục san hô vụn ở độ sâu hơn 3m chuyển ra ngoài mép xanh (sâu 40-50m)!
Một nhóm 8-9 người chỉ có ống thở và kính lặn thông thường cả ngày lặn ngụp dưới đáy luồng gom san hô để đồng đội kéo lên xuồng. Lại ngốn một lượng lớn thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Công binh E83 đã sáng tạo loại xuồng mở đáy. San hô tự rơi xuống biển chứ không phải ngốn sức bộ đội vứt từng cục san hô. Trước đây công việc cần 10-15 người/xuồng thì nay chỉ cần 4-5 người.
Ở lòng đại dương...
Nguyễn Văn Dương là một trong hai thợ lặn chuyên nghiệp giỏi nhất của E83. Quê Thanh Hóa, đi xây công trình ở Trường Sa từ năm 1994. Năm 2008 anh được giao nhiệm vụ ở lại trông coi công trình. Một đêm, khoảng 2g sáng, đang đi kiểm tra ván khuôn, một cú trượt chân làm anh bị thương 41%. Sau khi về trị vết thương một năm, nhớ đảo, Dương lại xin ra Trường Sa ở đến tận bây giờ.
Trung úy Dương kể: “Anh em bị thương phần lớn là do sóng xô và gió thổi. Có người bị thương khi lao ra cứu vật liệu trong gió lốc; có người khi đang chỉ đạo kỹ thuật trên giàn giáo bị gió thổi rớt xuống đất; có người đang đứng chỉ huy trên kè, gió thổi bay từ độ cao 6m xuống...”.
Trung tá Lã Ngọc Tuân bùi ngùi khi kể về liệt sĩ Đặng Quang Chiểu, hi sinh năm 2003 khi đang làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết. Chiểu được phân công theo xuồng chuyển tải chở sắt, thép vào đảo. Sóng bất ngờ cuộn lên đánh ụp xuống xuồng. Chiếc xuồng tải trọng cả tấn trong tích tắc đã chìm nghỉm. Một đầu sắt móc vào áo Chiểu, kéo người chiến sĩ 19 tuổi xuống biển. Hai ngày sau anh em mới đưa được Chiểu về đất liền.
Một trường hợp khác, khi đang cẩu đá hộc xuống xuồng, sóng lớn, xuồng tròng trành liên tục, cần cẩu bất ngờ va vào cạnh xuồng. Một người chiến sĩ bị ngã, đầu đập vào thành tàu rồi rơi vào đáy đại dương trong sự bất lực của đồng đội. Sáng hôm sau, anh em lặn xuống chỉ tìm thấy một dây thắt lưng và một phần bộ đồ hải quân còn sót lại...
Du lịch, GO! - Theo Tuoitre + internet
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 1
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 2
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 3
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét