Đà Lạt không chỉ là mảnh đất du lịch hấp dẫn với nhiều phong cảnh đẹp và nhiều công trình kiến trúc cổ thời Pháp mà nơi đây còn được biết đến là bởi sự phong phú và đa dạng trong ẩm thực. Những năm đầu thế kỷ XX, ở Đà Lạt, người dân nhập cư vào đây khá đông, họ đến từ các vùng miền Bắc, Trung, Nam.
< Hàng bánh tráng nướng trứng ven đường phố Đà Lạt.
Khi vào sống ở vùng đất mới, để gợi nhớ về quê hương của mình, họ đã mang theo nét ẩm thực nơi họ sinh ra và lớn lên. Đến với mảnh đất phủ đầy sương trắng, những đồi thông cao vút tận trời mây, những cơn mưa bất chợt làm nao lòng người khách lạ, trải qua những phút giây đó, có lẽ chỉ ẩm thực mới làm ấm lòng và làm cho con người gần nhau hơn.
Có phải chăng do thời tiết se lạnh quanh năm và phong cảnh thơ mộng đã tạo nên thói quen đi tản bộ và “nhâm nhi” các món ăn của con người nơi đây? Sự đa dạng các món ăn tạo nên cảm giác thích thú cho du khách trong sự lựa chọn của mình. Thời gian trôi qua, với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, từ mảnh đất chưa ai biết tới nay đã trở thành một điểm du lịch lý tưởng. Vì thế, các món ăn vặt cũng thay đổi và trở nên đa dạng hơn rất nhiều.
Ngoài những món ăn như nghêu, sò, ốc, hến, khoai lang nướng, trứng nướng, bắp nướng, mực nướng, soup măng cua, xắp xắp… thì bánh tráng nướng trứng không chỉ là món khoái khẩu đối với chị em phụ nữ mà còn là sức hấp dẫn khó chối từ của cánh mày râu mỗi khi có thời gian ngồi với nhau. Sức hút của món ăn này thật kỳ lạ, không phân biệt tầng lớp xã hội, không có rào cản về lứa tuổi, tất cả mọi người đều cảm thấy ấm lòng khi ăn chiếc bánh nóng hổi, giòn và thơm phức.
Trong thời tiết lạnh, ngồi bên bếp than hồng đỏ rực, cảm nhận mùi thơm của hành phi, mùi cay nồng của ớt, vàng ươm của trứng và không thể thiếu sự chờ đợi khi một chiếc bánh được nướng xong, cảm giác chờ đợi không làm cho chúng ta thấy bực bội mà chỉ càng làm tăng sự tò mò, hồi hộp của bản thân để được thưởng thức món ăn đó.
Nguyên liệu của một chiếc bánh tráng nướng trứng gồm có trứng, có thể là trứng chim cút hay trứng gà, hành lá phi dầu và bánh tráng được làm từ bột gạo. Chuẩn bị thêm một cái vỉ nướng, một đôi đũa.
Cách chế biến khá đơn giản: Đầu tiên, chiếc bánh được đặt lên vỉ nướng trên bếp than hồng, cho nguyên liệu gồm hành phi, trứng lên bánh rồi đánh đều hỗn hợp và dàn đều nguyên liệu trên mặt bánh. Xoay tròn chiếc bánh để bánh chín đều và không bị cháy.
Nướng cho đến khi bánh chín và có màu vàng ươm hấp dẫn, rắc lên bánh một ít ớt bột,ít lạc rang giã nhỏ và tương ớt tùy theo khẩu vị của từng người, cuốn đều bánh hoặc gấp đôi chiếc bánh lại theo yêu cầu của khách. Vậy là một chiếc bánh nướng vàng ươm, giòn và thơm ngon đã ra đời. Dưới thời tiết se lạnh, cầm chiếc bánh tráng nướng nóng hổi vừa thổi vừa ăn thật là thích.
Giờ tan sở, mọi người tất bật đón con, các em học sinh vội vã rời trường sau một ngày chăm chỉ học tập. Chỉ một chút thời gian thư giãn bên gia đình, bạn bè để cùng nhau tâm sự, chia sẻ những công việc trong một ngày đã sắp trôi qua.
Chiếc bánh tráng nướng trứng không biết nói nhưng có chăng nó là sợi dây kết nối tình cảm giữa con người với nhau, giúp họ tạm quên đi những bộn bề trong cuộc sống, chỉ để dành cho nhau những giây phút ngắn ngủi mà quý giá biết bao.
Những ai đã một lần đặt chân đến Đà Lạt, chắc hẳn sẽ luôn cảm thấy nuối tiếc khi rời xa mảnh đất này, lưu luyến không chỉ tình cảm của con người nơi đây trao tặng mà có lẽ đó là dư âm của một món ăn dân dã có từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức và luôn thúc giục họ muốn có cơ hội một lần nữa trở lại mảnh đất cao nguyên này.
Du lịch, GO! - Theo báo Lâm Đồng, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét