Không biết từ bao giờ, phong tục ăn xôi nếp đã được các thế hệ người Thái nối tiếp nhau lưu giữ và nó đã tạo thành một đặc trưng không lẫn với bất cứ dân tộc nào. Một năm 365 ngày, thì cả 365 ngày đó, bà con nơi đây đều ăn xôi nếp và nó đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm hàng ngày.
Mỗi dân tộc đều có những phong tục, những nét văn hóa khác nhau. Với đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quan Hóa cũng vậy. Bà con nơi đây cũng có những nét văn hóa riêng, trong đó nét đặc trưng nhất của người dân tộc Thái nơi đây là văn hóa ẩm thực. Trong chuyến công tác lên huyện miền núi Quan Hóa, chúng tôi có dịp tìm hiểu về nét đẹp văn hóa ẩm thực của bà con đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
< Những nếp nhà sàn của người Thái.
Quan Hóa là một huyện miền núi nằm cách thành phố Thanh Hóa hơn 150km về phía Tây. Nơi huyện vùng biên này, đồng bào dân tộc Thái chiếm phần đa với hơn 65% dân số toàn huyện, được phân bố rộng khắp ở 18 xã, thị trấn. Sau gần sáu giờ đồng hồ vượt qua con đường dài hàng trăm kilomet với những đoạn đường khúc khuỷu, chúng tôi đã có mặt tại xã Trung Sơn - một xã nằm giáp ranh với tỉnh Sơn La.
Từ xa, những ngôi nhà sàn nằm rải rác trên các sườn núi xen kẽ giữa những cánh rừng luồng xanh ngút ngàn, tạo thành một bức tranh thiên nhiên thơ mộng. Thấp thoáng từ những khung cửa sổ nhà sàn là những ánh mắt đằm thắm của những cô gái thái tuổi đôi mươi dành cho những vị khách lạ khi vào bản. Tới trung tâm xã Trung Sơn trời đã gần trưa, khi những cột khói luồn qua khe nhà sàn ngoằn ngoèo trên những tán lá luồng phía xa xa của người Thái chuẩn bị bữa trưa.
Ghé thăm gia đình ông Lò Khằm Quyến, một già làng ở bản Tà Bán, khi gia đình ông đang ăn cơm trưa. Nổi lên giữa mâm cơm là món xôi nếp đồ cùng với gấc, tạo thành một màu đặc trưng. Tôi tò mò tự hỏi, sao trong bữa trưa mà bà con lại dùng cơm nếp. Theo phong tục của người miền xuôi, cơm nếp thường chỉ ăn vào buổi sáng hay các ngày lễ, ngày giỗ…
Vào đúng bữa trưa nên chúng tôi được mời dùng bữa cùng gia đình. Rồi sự tò mò của chúng tôi dần được giải đáp. Vừa ngồi xuống mâm, già Quyến nhanh miệng giới thiệu cho chúng tôi biết phong tục của người Thái trong bữa ăn. “Chắc cơm nếp các chú rất khó ăn, nếu biết các chú tới nhà chúng tôi lại nấu thêm cơm tẻ cho các chú ăn. Ở trên này, chúng tôi toàn ăn cơm nếp thôi, cơm tẻ chỉ khi nào có khách ở dưới xuôi lên thì mới nấu đó, trên này mà nấu cơm tẻ không ai ăn cả, mà khi có khách phải đi vay gạo tẻ mới có gạo mà nấu đó”.
< Dụng cụ dùng để đồ xôi nếp.
Đúng như lời già Quyến nói, vì không quen với bữa ăn mà không có cơm nấu bằng gạo tẻ. Nhưng vì đã trưa, bụng cũng đã đói lả nên chúng tôi ngồi xuống dùng bữa cùng gia đình già Quyến. Cơm nếp của bà con dân tộc Thái nơi đây khi ăn vào thì có một hương vị và cảm giác rất khác không giống như một loại cơm nếp nào mà tôi đã từng ăn. Như tự hào về nét đẹp của dân tộc mình, già Quyến cho biết thêm: “Ở trên đây, bao đời nay, đều ăn cơm nếp đồ như thế này quen rồi. Không có cơm nếp là chúng ta không chịu được đâu. Toàn bộ người Thái trên huyện này họ đều ăn đồ nếp thế này đấy. Các ngày thường hay ngày giỗ, ngày lễ tết đều ăn đồ nếp cả”.
Cơm nếp hay còn có cách gọi khác là xôi nếp. Xôi mà người Thái nấu khi nhìn vào cũng như thưởng thức rất đặc trưng. Do xôi được đồ bằng hông gỗ, hạt gạo chín lên nhờ hơi nước nên khi nhìn vào đĩa xôi hạt cơm dường như không nở hơn so với hạt gạo thường là mấy. Hạt cơm rất trắng, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng của giống lúa nương. Lúa nếp được bà con chủ yếu trồng trên các ngọn đồi và các sườn núi. Do địa hình cao, đất đai cằn cọc nên chỉ thích hợp với giống lúa nếp. Lúa nếp trên đồi một năm chỉ trồng được một vụ, kéo dài từ cuối tháng 2 đầu tháng 3 đến tháng 10 âm lịch, thời gian của vụ ngắn hay dài còn phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Sau khi thu hoạch về phơi khô quạt sạch sẽ để dùng cho cả năm.
< Món xôi nếp của bà con dân tộc Thái.
Để cho cơm được ngon, nhanh chín, gạo để đồ phải được ngâm trước khi đồ ít nhất 4 đến 5 tiếng đồng hồ. Người đồ sẽ đổ nước vào trong cái niêng đồng, bỏ gạo đã ngâm vào trong cái hông làm bằng gỗ, đặt hông lên trên niêng và cho lửa đồ lên. Thời gian đồ xôi phụ thuộc vào lượng gạo đồ trong hông nhiều hay ít mà có thời gian đồ khác nhau. Khi đồ xong dùng nống sạch đổ ra, đánh tơi, vừa đánh vừa quạt cho xôi bay hết hơi nóng, có như vậy xôi mới khô và để được lâu hơn. Có một điều đặc biệt, khi ai đó thưởng thức món xôi nếp phải tinh ý mới phát hiện được, đó là khi đồ người đồ không bỏ thêm bất cứ một thứ gia vị nào nhưng khi thưởng thức vẫn cảm nhận được sự đậm đà, mùi thơm của gạo nương vùng cao.
Sau một đêm ở lại giữa bản làng nơi miền sơn cước, được tận hưởng không khí trong lành của thiên nhiên, chúng tôi lại có mặt tại nhà chị Đinh Thị Hương, ở bản Nam Thành, xã Thành Sơn, vào một buổi sáng và được tận mắt chứng kiến chị cùng con gái mình đang đồ xôi chuẩn bị cho một ngày mới đi nương.
Vừa đồ nồi xôi chị Hương vừa tiếp chuyện: “Ngày nào cũng vậy người dân trên này dậy rất sớm đồ một nồi xôi để ăn sáng, khi đi làm bà con còn mang theo lên nương ăn trưa luôn, rồi làm luôn sang chiều mới về. Khi mang xôi lên nương ăn bữa trưa, không phải mang thêm thức ăn theo để ăn cùng mà chỉ cần một ít vừng hoặc lạc rang kèm muối ăn cùng thế là xong buổi trưa. Trên này người dân đi rừng, leo đèo vượt núi nên ăn đồ nếp cho chắc cái bụng, chứ ăn đồ tẻ giống dưới miền xuôi thì nhanh đói lắm, chịu không được”.
Đồ xong nồi xôi, chúng tôi lại được thưởng thức món xôi gấc cùng gia đình chị Hương, sự đậm đà, hương thơm của một loại gạo nương khiến tôi có cảm giác rất khó tả. Rời gia đình chị Hương ra về, hình ảnh những ngôi nhà sàn nằm trên các sườn đồi, những ánh mặt thân thiện của các cô gái Thái cùng hương vị của xôi nếp khiến chúng tôi không thể nào quên được những ngày lưu lại vùng đất này.
Du lịch, GO! - Theo DT, internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét