Từ Vạn Giã: gió biển, mưa dầm lên Đạ Sar (P11)

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

(Tiếp theo)
Tính theo mép nước, tỉnh Khánh Hoà có đường bờ biển kéo dài hơn 385km từ Đại Lãnh đến Cam Ranh với hơn 200 đảo lớn nhỏ. Trải bao đời, phần lớn đảo của Khánh Hoà đều in dấu con người...

< Phòng bọn mình tại khách sạn Vietsea đây: ấm cúng, tiện nghi từ trong ra ngoài, rất sạch và giá dễ chịu lại ân cần với khách.

Tất cả các chương trình kinh tế biển của Khánh Hoà đều liên quan trực tiếp đến cộng đồng dân cư ven biển, đảo. Không ít làng biển đã, đang và sẽ di dời để nhường chỗ cho mục tiêu phát triển.

< Mình post luôn bảng giá để các bạn tiện so sánh (nhấn ảnh hay open new tab để xem kích thước lớn hơn các ảnh trong blogdulich360).

Thành phố Nha Trang có nhiều khu vực lấn biển kể từ năm 2000 đến nay, điển hình là như khu vực Hòn Xện bọn mình đã ở. Đây là khu vực lấn biển quy mô lớn với tổng kinh phí đầu tư hơn 343 tỷ đồng được khởi công từ năm 2005 và hoàn thành năm 2008. Theo thiết kế, công trình gồm khu đô thị mới có diện tích hơn 30ha, tuyến kè chắn sóng biển dài 1.635m cùng hệ thống đường giao thông dài hơn 5.000m có mặt cắt ngang đường rộng 7 - 26m.

< Ngã 4 ngay trước khách sạn, nhìn xung quanh là núi và núi, phía Đông là biển.

Những nơi lấn biển khác có thể kể như dự án khu du lịch Rusalka san lấp 2.3ha, khu dân cư Đường Đệ 30ha; khu du lịch Sông Lô lấn biển hơn 5ha. Tại núi Chụt phía nam Cầu Đá, toàn bộ vùng vịnh  rộng hơn 56ha nằm gần cửa sông Tắc (Quán Trường) đã được san lấp để lập khu dân cư An Viên. Các bãi biển trong phường Vĩnh Hòa có đoạn thì lấn để làm đường Phạm Văn Đồng, đoạn dài hơn 4km thì lấn để làm các dự án du lịch, nhà hàng, khách sạn...

< Một trong những đỉnh núi của dãy núi Cô Tiên.
Nghe nói có đường lên chùa Đa Bảo, vậy là bọn mình đi.

< Từ khách sạn hướng về chân núi chưa đầy 350m. Mình thấy một nhánh nhỏ đường lát bê tông, khá dốc...

Được thêm đất, thêm KDL và khu dân cư nhưng phần nào cũng làm thay đổi môi trường vịnh biển Nha Trang, một điều không thể tránh khỏi. Riêng việc quy hoạch lại các làng chài ven biển để thành phố khang trang hơn cũng tạo ra khối vấn đề về dân sinh. San hô chết, sản vật từ biển cũng không còn khiến người dân biển từng thân quen với tay lưới, thúng câu và ghe thuyền loay hoay đổi nghề.
< Người đàn ông bên cạnh cái giếng vừa xây: đây là giếng của chùa Đa Bảo. Mạch nước chạy vào giếng sẽ được bơm lên chùa.

Mong rằng Nha Trang sẽ phát triển tốt và quan trọng nhất là nâng cao được cuộc sống người dân làng chài đã bao năm gắn bó với nghề biển.
< Qua một cua quẹo thì gặp tiếp dốc cao hơn, mình dừng xe chờ nửa kia đang hỏi chuyện người đào giếng.


< Gặp nhánh rẽ chạy vòng ngõ phụ phía sau mấy căn nhà bên triền núi: lên chùa thì cứ chạy thẳng.

< Vượt qua dốc cuối rất gắt thì vào cổng. Mình dựng xe, bước vào vườn Lâm Tỳ Ni của chùa Đa Bảo.

< Vẫn còn đường xi măng để chạy lên cao hơn.

Lại nói về nơi bọn mình ở: đây là những khu dân cư mới bao trùm ngọn đồi Hòn Xện và dẫy núi Cô Tiên bao trùm phía Tây, Bắc, một phần phía Đông. Riêng phía biển là khu đô thị mới Vĩnh Hòa, với đường xá rộng rãi, khang trang nhưng còn thưa người. Khu đô thị này là phần đất lấn biển từ năm 2005, lúc chưa hoàn thành thường bị những dòng lũ từ núi đổ xuống cuốn trôi đường xá nhưng ngày nay đã ổn định.
< Tượng Phật Di Lặc. Phía sau nơi này  có tiếng ì ầm: người ta đang dùng máy xúc làm gì đó...
Lên trên hỏi mới biết là chùa đang sửa sang lại khu vườn.

< Những lối quanh co.

Từ phía trước khách sạn Vietsea, đưa mắt nhìn xung quanh thì thấy 3 mặt là núi chập chùng, phía con lại là biển xanh - một khung cảnh làm thỏa lòng những người thích quang cảnh rộng mở. Từ đây, nhìn lên lưng chừng núi Cô Tiên sẽ thấy chùa Đa Bảo, thấp hơn là vài ngôi biệt thự chen giữa rừng cây xanh rì.
< Thả bộ leo dốc một đoạn nữa thì đến gian chính của chùa: chính điện đơn giản - Nhìn từ đây thấy thành phố Nha Trang thấp thoáng sau những lùm cây.

'Có đường lên chùa' là câu trả lời của anh quản lý KS sau khi bọn mình hỏi, vậy là đạp máy chạy lên một lần cho biết. Thông tin về chùa không nhiều nên mình xin đề cập tới núi Cô Tiên, đây là một trong hai địa danh nổi tiếng tại Nha Trang (còn lại là Hòn Chồng).
< Phía còn lại thấy đường Phạm Văn Đồng và khu lấn biển...

Núi Cô Tiên nằm ở phía Bắc thành phố Nha Trang, đây là dãy núi sừng sững như bức bình phong chắn gió bão cho vùng phố biển. Gọi là dãy vì có 3 đỉnh núi liên kết lại nhau trông giống như một người đàn bà nằm xõa tóc, ngửa mặt lên trời....
< Đường lên và xuống chùa từ vườn Lâm Tỳ Ni rất dốc, nhìn xuống sâu hun hút.

... Nếu tính từ phía biển, thì đỉnh một là mặt, đầu và tóc cô Tiên xõa dài tận biển, đỉnh giữa là bộ ngực và đỉnh cao nhất là tư thế của một người nằm ngửa tréo chân. 'Hình dung' cô tiên tùy vị trí và góc cạnh nhưng ai cũng có thể nhìn thấy núi Cô Tiên rất rõ từ bốn phía tại thành phố biển.
< Bài thơ bên giếng nước cũ:

Giếng sâu Đa Bảo.
Tháng ngày đào giếng lắm công phu,
Chẻ đá xây vồng tận giếng sâu.
Long mạch xin về cho nước uống,
Đỉnh cao Đa Bảo đỡ lo âu.
Nguyên Đức

Tiếc rằng mạch nước nay đã cạn nhiều nên chùa phải đào thêm giếng phía dưới, ven đường lên chùa.

< Rời chùa, mình thả trớn chạy xuống dưới. Dốc cao, thắng kêu ken két...

Truyền thuyết về núi Cô Tiên ghi chép rằng: Ngày xưa có 1 đạo quân đóng trại ở đây, vị chủ tướng thường xuyên ra trận đánh giặc nên thường để nười vợ trẻ ở nhà. Và vào một ngày nọ, như thường lệ vị tướng phải dẫn quân chinh chiến thì ở nhà người vợ bị quân lính của ông toan làm nhục...
< Chạy theo đường Phạm Văn Đồng về khu trung tâm. Đây là cầu vượt của đường Nguyễn Đình Chiểu chạy bọc vòng ngọn đồi có trạm quan trắc Hòn Chồng.

... Để giữ tiết hạnh người vợ đã tự vẫn và nằm trên ngọn núi. Sau đó, thân xác đã hóa thành dãy núi có 3 ngọn mang hình dáng của nàng. Từ đó dân gian gọi núi này là núi Cô Tiên để tỏ lòng kính trọng người phụ nữ tiết hạnh nhưng vắn số.
< Giao lộ Phạm Văn Đồng - Tôn Thất Tùng.
Từ đây, chạy thêm qua ngã 4 rẽ vào đường Tháp Bà, qua chùa Long Quang có tiệm tạp hóa bán đồ giá mềm (nước tinh khiết Aquafina 7k/chai 1.5L, phô mai Đầu bò giá như Sàigòn).

< Tháp Bà - Thiên Y thánh mẫu trên núi Cù Lao. Muốn vào cần mua vé nên bọn mình... không vô.


< Trên đường Bờ kè Bắc nhìn xuống sông Cái, xa xa là cầu Xóm Bóng.

Đứng trên cầu, bạn sẽ được ngắm thật gần thắng cảnh nổi tiếng nhất nhì tỉnh Khánh Hòa: tháp Bà Ponagar uy nghiêm cổ kính. Tên xóm Bóng bắt nguồn từ một thói quen của làng cù lao xưa: Vào các dịp lễ vía cúng bà, tức thánh Mẫu Thiên Y A Nam, những “cô bóng, bà bóng” của làng lại tập trung múa hát...



< “Ai về xóm Bóng thăm nhà
Hỏi xem điệu múa dâng bà con chăng?
Thế thường tre lụn còn măng
Phải đâu tham đó bỏ đăng cho đành...”

Thời gian buổi chiều tại đây không còn nhiều nên chạy lông rông.

< Qua cầu Trần Phú: cây cầu được xây dựng cùng lúc với con đường vàng Phạm Văn Đồng.

Một truyền thuyết khác về núi Cô Tiên từ dân gian lại cho rằng: Đây là thân xác còn lại của một nàng tiên từ trời bay xuống trần gian để cứu con người khi bị loài quỷ biển quấy nhiễu. Trong cuộc huyết chiến, khắp trời đất phong ba dữ dội: nàng tiên bị thương nặng nhưng cũng vung được nhát kiếm thần vào ngực quỷ...

< Chợ Nha Trang, phổ thông hơn thì gọi là chợ Đầm.
Hơn 2 năm trước, mình cũng ghé chợ này và mua được... sợi dây nịch khá tốt, giá không kém... Sàigòn.

Quỷ bỏ chạy ra biển rồi chết, biến thành đảo Hòn Tre; còn nàng tiên nằm xuống ngủ yên mãi mãi và hóa đá trở thành dãy núi màu lam, nằm trải dài xõa tóc xuống biển xanh...

“Ai về Đồng Đế, Bãi Tiên
 Cho ta nhắn gửi cô Tiên một lời
Sao không về ở trên trời?
Nằm chi hoài đó nghìn đời héo khô!”

< Trở ngược về Phạm Văn Đồng rồi rẽ đường Lê Lợi, bọn mình vào quán nem này một cách ngẫu nhiên:
Tại Nha Trang có rất nhiều quán nem  Ninh Hoà (hay nem nướng Nha Trang) nhưng đúng "chất" phải là nem nướng Vũ Thành An ở 15 Lê Lợi. Đối diện nơi này có quán nem nướng Đặng Văn Quyền to rộng hơn nhưng không ngon bằng.

< Nem Ninh Hoà có 2 loại: Nem chua và nem nướng. Mỗi thứ nem có vị ngon riêng; tuy nhiên được ngồi bên bếp than hồng, chưa ăn đã ngửi thấy mùi thơm của thịt nướng - vị lạnh lạnh, man mát của đủ thứ rau sống và rau thơm khiến món nem nướng hấp dẫn thực khách hơn. Còn nem chua được ưa thích để mua làm quà mỗi khi rời xa thành phố.

Quảng cáo vậy nhưng bọn mình ăn bún thị bò nướng, hôm sau mới ăn nem - giá cả bạn xem ảnh dưới.


< Nem chua Ninh Hòa nổi tiếng đến mức ở Nha Trang: các quán nem muốn có khách đến phải đề thêm chữ“Ninh Hòa” mặc dù quán do người Nha Trang làm, bán ở Nha Trang cho người Nha Trang ăn... Vậy là có nem chua Ninh Hòa giả?

Không phải thế, đấy vẫn là nem chua thật nhưng không phải làm ở Ninh Hòa, hoặc chỉ làm theo “công nghệ Ninh Hòa”, nhưng phải đề tên Ninh Hòa vì... “thượng đế” sành điệu chỉ thích nem chua chính gốc Ninh Hòa!

< No với bún thị nướng rồi thì rẽ qua đường Hàn Thuyên kề cận. Xe gởi free bên đường (có người trông), bọn mình qua phía đối diện...

< ... để 'măm' món gỏi khô bò (7k/dĩa), tàu hủ đá (4k/ly) tuyệt ngon.

< Con đường chạy ven biển Trần Phú xôm tụ nhất với những dãy khách sạn, cửa hiệu phía trong đất liền, con mé biển là các công viên, bãi tắm chạy dài.
Sau khi qua cầu Trần Phú rồi thì mức độ 'xôm' giảm dần, đến núi Hòn Một thưa vắng hơn.
Muốn vui nhưng giá tương đối: bạn nên thuê phòng trong các hẻm đường Trần Phú - còn muốn yên tịnh: hãy về Hòn Xện như bọn mình nhé.

< Hoàng hôn xuống nhanh, tối dự định chạy lòng vòng rồi về khách sạn. Chưa ngủ được thì lại bách bộ xung quanh: khu lấn biển thưa người - không xô bồ như ở trung tâm, gió mát lạnh một mùi biển. Xem như: bọn mình đã tiêu hết ngày thứ 2, hôm sau nữa sẽ đi Hòn Bà, về ghé bãi Dài Cam Ranh.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc