Những hành trình thiêng liêng

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Không chỉ ấn tượng và thú vị do chuyến du ngoạn, khám phá mang lại, những hành trình chinh phục cột mốc còn đặc biệt bởi sự trỗi dậy của tình cảm dân tộc thiêng liêng trong lòng những người con dân đất Việt.

< Trừ các cột mốc quan trọng được xây dựng bề thế thì các mốc phụ được xây khiêm tốn hơn song ý nghĩa đều thiêng liêng như nhau cả: Xác định lãnh thổ quốc gia. Bất cứ ai khi đứng cột mốc biên giới đều trỗi lên lòng tự hào dân tộc.

Ngoài những cột mốc nằm tại các cửa khẩu, đường bộ quốc tế, phần lớn cột mốc đều ở nơi địa hình hiểm trở, trên đỉnh núi cao, trong rừng rậm. Nhưng tất cả đều đáng giá để bạn tìm cho mình một tour du lịch khác biệt so với các chuyến đi thông thường.

Từ những hành trình đầu tiên

< Cột mốc số 2 ở A Pa Chải, kề cận biên giới với TQ.

Năm 2005, khi thông tin về cột mốc số 0 ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc hoàn thành, một nhóm dân đi tên CBN đã quyết định lên đường chinh phục. Hành trình ngày đó rất gian nan do đường vào Mường Nhé (Điện Biên) chưa mở xong, cộng với thiếu thốn thông tin đã lấy đi khá nhiều sức lực của nhóm. Kết quả đầu tiên chỉ có hai người theo bộ đội biên phòng lên chinh phục cột mốc nhưng thế cũng quá đủ tự hào để tiếp lửa cho các nhóm đi sau.

Đã hơn nửa thập niên trôi qua, không đếm được có bao nhiêu dân du lịch bụi khao khát và hoàn thành mục đích chinh phục cột mốc 0, A Pa Chải. Đường vào cột mốc giờ đã dễ dàng hơn, nhưng niềm tự hào khi đứng bên cột mốc với lá cờ Tổ quốc trên tay chưa bao giờ vơi đi trong trái tim những người ưa xê dịch. Bắt đầu xuất hiện những nhóm dân đi “say mê cột mốc”, cũng là sự bắt đầu cho câu chuyện về “những hành trình thiêng liêng”.

Thiêng liêng và tự hào

< Cột mốc 426 cách cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) khoảng 1,7km. Phía xa là sông Nho Quế, phân chia biên giới Việt - Trung.

Nếu có dịp tìm hiểu về quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện của từng cột mốc trên tuyến biên giới của Tổ quốc, bạn sẽ biết cha ông đã phải đổ bao nhiêu công sức, xương máu để giữ gìn đất nước mình. Với những đứa con Việt, cột mốc là một biểu tượng của sự thiêng liêng và niềm tự hào, bởi chính tại khối đá tưởng chừng vô tri ấy là nơi chứa đựng hồn dân tộc, những hi sinh thầm lặng của bao chiến sĩ và đồng bào.

Tháng 5-2009, một người bạn tên Dũng ở TP.HCM gọi điện thoại báo tin đang đứng ở một điểm xa hơn cả điểm cực bắc tượng trưng là cột cờ Lũng Cú. Sau một ngày tìm cách đến gần hơn với sông Nho Quế, anh đã đến được cột mốc số 426 nằm trên bờ vực núi đá, hiên ngang và ngạo nghễ giữa đỉnh trời.

Tháng 11-2012, một thành viên có nick Voirung_206 trên diễn đàn phuot.vn đã đầy tự hào chia sẻ những hình ảnh đầu tiên về cột mốc 428 - mốc được nhiều người gọi là mốc cực bắc bởi nó nằm gần nhất so với mỏm cực bắc trên đất liền Việt Nam. Rất nhiều chuyến đi “tìm mốc”, “chinh phục mốc” đã được truyền lửa qua chủ đề “Cột mốc biên giới” của nick quycoctu. Thông tin được chia sẻ về các cột mốc trên tuyến biên giới Việt - Trung trên diễn đàn đã giúp dân đi dễ dàng định hướng và hoàn thành lịch trình “đi thăm mốc” của riêng mình.

Bạn đã từng thăm mốc?


< Cùng biên phòng đi thăm mốc.

Việc thăm và chụp ảnh với cột mốc tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu biên giới là việc dễ dàng thực hiện với bất kỳ người dân hay du khách nào. Ví dụ cột mốc 313 Việt Nam - Campuchia ở cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên), cột mốc 405 Việt Nam - Lào tại cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An), cột mốc 102 tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai, cột mốc số 741 tại cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng), hay cột mốc 92 tại Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt đã trở nên rất quen thuộc với dân đi bụi. Tất nhiên, với điều kiện bạn hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định tại vùng biên giới như có giấy thông hành, hộ chiếu qua lại khu vực biên giới.


< Bên cột mốc Bờ Y.

Với các cột mốc ở xa khu dân cư, nằm sâu trên núi, trong rừng, tại các khu vực nhạy cảm, việc đến thăm và chụp ảnh phải được phép và hướng dẫn của bộ đội biên phòng quản lý khu vực hoặc giấy phép của bộ chỉ huy biên phòng tỉnh. Ngoài ra, việc đến thăm các mốc khó này đòi hỏi phải có thời gian và sức khỏe để hoàn thành lịch trình vì chắc chắn bạn phải đi bộ vượt qua vùng địa hình phức tạp, theo đường rừng hoặc đường tuần tra của bộ đội biên phòng.

Hành trình càng khó, điểm đến càng trở nên hấp dẫn. Và cho dù dễ hay khó, mỗi khi có dịp đứng bên cạnh cột mốc vẫn cứ thấy trong lòng rưng rưng, tim đập mạnh và đôi khi nhói lên. Đó chính là khi lòng tự hào dân tộc, tình yêu với quê hương đất nước hiện lên rõ nét trong tâm hồn. Không dễ gì để có được cảm xúc ấy, thứ tình cảm tôi vẫn hay gọi bằng một cái tên riêng “cảm xúc vùng biên”.

Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong đó có hai ngã ba biên giới đặc biệt là mốc 0 giữa Việt Nam - Lào - Trung Quốc và mốc giữa ba nước Đông Dương Việt Nam - Lào - Campuchia.

Trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung đã hoàn thành việc cắm mốc bắt đầu từ mốc 0 tại khu vực A Pa Chải (Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên) và kết thúc bằng mốc 1378 tại cửa sông Bắc Luân (TP Móng Cái, Quảng Ninh). Đường biên giới Việt - Lào dài khoảng 2.340km trải dài qua mười tỉnh của Việt Nam, phần lớn đi qua đỉnh, triền núi và rừng rậm nhiệt đới; từ A Pa Chải trở xuống là dãy Pu Xam Sẩu và từ Thanh Hóa đổ vào là dãy Trường Sơn.

Trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, cột mốc 314 là cột mốc mang số thứ tự cuối cùng thuộc địa bàn xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang).

Du lịch, GO! - Theo Giang Nguyên (TTO), Quycoctu, internet

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc