Lần đầu tiên tôi đến Bắc Hà, lại đúng vào ngày không có chợ phiên. Bạn tôi, có người xuýt xoa tiếc, hỏi sao không cố ở lại thêm ít ngày nữa, chờ đến phiên chợ cho bõ công.
Nhưng với tôi, đến một nơi nào đó vào thời điểm không phải đẹp nhất trong năm đâu phải là điều đáng buồn, khi ta chắc chắn sẽ còn quay trở lại. Và người luôn đến Bắc Hà vào phiên chợ, sẽ chẳng bao giờ biết được rằng, Bắc Hà, ngày không chợ phiên vẫn cứ quyến rũ đến nao lòng…
< Người Mông trỉa bắp trên những nương ngô dọc đường chạy qua bản Phố.
Hôm ấy, một ngày đầu xuân, hoa mận đã lác đác nở trắng dọc những bản nhỏ ven đường. Dừng chân ở Bắc Hà lúc tờ mờ sáng, buổi sáng ở phố núi này hóa ra không lạnh lắm, trừ việc vài du khách nữ sợ sương muối nên lấy khăn trùm kín đầu.
< Những đứa trẻ bản Phố hồn nhiên chơi đùa.
Trong bữa cơm tại gia đình người bạn ở thành phố Lào Cai ngày hôm sau, được đãi món cải mèo, tôi mới biết hóa ra sương muối ở cao nguyên trắng chính là “gia vị” để món cải mèo nơi đây giòn, ngọt đến vậy.
6 giờ sáng, ghé vào quán phở bà Tuất ngay đầu thị trấn, khách đã nườm nượp, và những tô phở xếp hàng ở quầy đang được bà chủ quán hối hả chan nước dùng. Anh bạn đi cùng tôi “quảng cáo” đây là quán phở gà ngon nhất Bắc Hà. Chẳng du khách nào tới cao nguyên trắng lại không ghé.
Nhưng cũng chẳng cần những lời giới thiệu ấy, vì tự bản thân những sợi phở tráng bằng gạo Ma chá dẻo thơm, thứ gạo người Mông trồng trên núi cao, cùng những sớ thịt gà bản ngọt lừ, giòn da chắc thịt đã “mách” với tôi rằng chẳng thể tìm đâu nữa một món ngon quen mà lạ lùng như thế ở phố núi nhỏ này.
< Khách thăm lò nấu rượu ở bản Phố.
Ngày không chợ phiên, nên con phố dẫn xuống trung tâm chợ vắng lặng. Lác đác vài người phụ nữ váy hoa ngồi bán rau, bán rượu, ai cũng cầm trên tay kim chỉ, thêu khăn, thêu váy. Một bà cụ bán rượu ngô đầu chợ hào phóng mời chúng tôi nếm thử.
Cái thơm nồng say sưa của hớp rượu múc vào thìa nhựa thôi thúc chúng tôi ngược lên bản Phố, “thủ phủ” của những chén rượu ngô Bắc Hà nấu từ men hồng mi bốn mùa không ngớt làm say lòng du khách.
< Người phụ nữ vừa bán rau, vừa thêu khăn ở chợ Bắc Hà.
Trong căn bếp nhà ông Giàng Seo Sẩu, hai bếp lò đang cháy rực. Con trai ông xách cả xô nước tiếp vào nồi nấu rượu. Dòng rượu trong veo chảy rí rách chảy vào những chiếc can 5 lít. Can đầy sẽ được đổ vào chum. Ông chủ mời khách bằng cách ném ca nhựa vào chum, múc đầy, rót ra chén, tràn trề như suối và say như chẳng còn biết đến thứ rượu nào khác trên đời.
Nhưng thực ra chúng tôi đã không say rượu ngô Bắc Hà sáng ấy, mà say trong một quán nhỏ ven thị trấn với thịt nướng, gà nướng thơm lừng khi trời nhập nhoạng. Men rượu ngô khiến buổi tối cao nguyên cứ bồng bềnh, chuếnh choáng.
Còn sáng ấy, chúng tôi lại ngược lên mãi con đường chạy dọc bản Phố, con đường gấp nếp với một bên là vách núi xanh rì. Bắc Hà đang mùa trỉa bắp.
< Mua, bán rượu ở chợ Bắc Hà.
Những bà, những chị váy hoa rực rỡ nổi bật trên những thửa ruộng nâu vừa vỡ. Trẻ con cũng theo mẹ lên nương. Chúng ngủ say trên lưng mẹ trong những tấm địu, hay vẩn vơ chơi ở những bờ ruộng, vệ đường khi bố đánh trâu cày ruộng và mẹ mải mê trỉa bắp.
Ở nơi cao nhất của bản Phố, tôi gặp lũ trẻ vừa đi học về. Cặp sách vẫn trên vai, chúng chơi với nhau theo cái cách của trẻ con vùng núi là leo lên những sườn núi thấp ven đường và trượt xuống. Con gái thì chơi “oẳn tù tì”, ai thắng thì được cõng.
Bắc Hà, ngày không chợ phiên, không tiếng khèn mông, không váy hoa rực rỡ, cứ trôi đi êm ả như thế.
Du lịch, GO! - Theo Tịnh Tâm, Lưu Quang Phổ (iHay)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét