Đến huyện An Dương nhiều người tìm đến đình Nhu Thượng (xã Quốc Tuấn) để khám phá và chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc thế kỷ 19 hiện vẫn được lưu giữ.
Đình Nhu Thượng cấu trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung bề thế được xây dựng theo thức chồng diêm, nóc các, 2 tầng, 8 mái cao vượt hẳn lên so với 5 gian tiền đường, dựng năm Tự Đức 14 (1861). 20 năm sau, mùa xuân năm Tự Đức 34 (1882), dân làng dựng tiếp 5 gian tiền đường, nối với tòa hậu cung bằng cách tận dụng nguồn vật liệu gỗ, đá của ngôi đình cũ ven sông.
Theo các cụ cao tuổi trong làng, đình Nhu Thượng thờ vua Bạch Đầu Đế Mai Kỳ Sơn và nữ tướng Mai Thị Cầu - hai người con của vua Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) - người đứng đầu chống quân đô hộ nhà Đường thế kỷ 8.
Hai chị em nữ tướng Mai Thị Cầu đã giúp đỡ dân làng ruộng đất, vàng bạc, đồng thời chiêu mộ dân thôn xây dựng đồn trại, tham gia nghĩa binh, chống giặc ngoại xâm.
Năm 722, sau khi vua Mai Hắc Đế mất, Mai Kỳ Sơn lên nối ngôi, đem quân đánh chiếm lại vùng đồng bằng phủ Tổng Thành (Thanh Hóa ngày nay) cho đến Quảng Ninh, Nam Hà. Tháng Chạp năm 727, sau 2 tháng giao chiến, quân giặc phá được căn cứ phòng thủ của hai chị em nữ tướng Mai Thị Cầu và vua Bạch Đầu Đế. Không chịu khuất phục quân giặc, hai chị em nữ tướng gieo mình xuống sông tuẫn tiết.
Ngày nay, trên bờ một con trạch thoát triều cũ, chảy ra sông Lạch Tray thuộc địa phận xã Quốc Tuấn vẫn còn 2 ngôi miếu nhỏ - nơi hai chị em nữ tướng gieo mình (người dân trong làng gọi là miếu Một và miếu Đôi). Đình Nhu Thượng được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1991.
Hằng năm, để tưởng nhớ công lao của hai chị em họ Mai, dân làng mở hội từ mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng.
Ngoài đám rước của dân làng, từ miếu Đôi, miếu Một về Đình, sau nghi thức tế thần làng và hàng loạt các hoạt động văn hóa diễn ra trong lễ hội như: đấu vật, tam cúc điếm, thi bắt vịt, thi cầu thùm... tổ chức tại sân đình.
Du lịch, GO! - Theo Diệp Anh (Haiphong.gov), internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét