Đến vùng Bảy Núi ở tỉnh An Giang, đi từ Tịnh Biên cho tới Tri Tôn đâu đâu cũng thấy những cây thốt nốt thân thẳng đứng, cao vút lên trời xanh với chòm lá như đóa hoa khổng lồ, giăng giăng khắp chốn.
Vào mùa khai thác nước thốt nốt, thích nhất là được thưởng thức sản phẩm mang hương rừng gió núi độc đáo của một vùng biên địa xa xôi từ trái thốt nốt.
Thốt nốt là loại cây trồng khoảng ba bốn chục năm mới cao chừng 20 thước. Khi đó cây mới trổ bông vào mùa nắng. Chạng vạng, người ta leo lên thân tre cột sát thân thốt nốt lên tới ngọn, lấy những ống tre đã hong khói diệt khuẩn đeo sau lưng đặt vào vòi bông vừa mới cắt một khúc để lấy dịch.
Từ ngọn cây này chuyền sang ngọn cây khác, họ đặt hết những ống tre ấy rồi nhanh nhẹn leo xuống đất. Rạng sáng hôm sau, họ lại leo lên lấy những ống tre hứng đầy dịch thốt nốt đem về nhà...
Hằng ngày, trên những con đường núi xanh tươi buổi sớm mai, với chiếc đòn gánh trên vai, hai đầu là hai chùm ống đựng đầy nước thốt nốt, các cô gái rong ruổi đi bán khắp nơi.
Chỉ cần vài ngàn đồng là bạn đã được thưởng thức thứ nước ngọt ngào với mùi vị đặc trưng hấp dẫn của thốt nốt. Thứ nước uống nhiều khoái cảm này hiện nay còn được bày bán dài theo các con đường dẫn vào nội ô thị trấn Tri Tôn, khu du lịch Lâm viên Núi Cấm (An Hảo, Tịnh Biên).
Để tăng thêm phần giải nhiệt, giống như nhiều loại nước giải khát khác, nước từ trái thốt nốt được người ta cho vô keo nhựa hoặc chai ướp lạnh. Loại này để lâu được, bán suốt ngày, không như nước thốt nốt đựng ống tre chỉ bán tới khi hửng nắng thì bị chua, mất ngon. Nước thốt nốt còn được người dân địa phương ủ với một thứ cây rừng để lên men, tạo thành một loại bia khá đậm đà.
Nước từ trái thốt nốt còn được cho vào chảo lá sen, vừa nấu trên bếp lò vừa quậy đều tay cho tới khi thành dung dịch màu vàng sệt thì cho vào khuôn, đóng thành cây. Đó là đường thốt nốt. Loại đường này được nhiều du khách mua về nấu chè, thưởng thức hương vị ngọt thanh mà các loại đường khác không có được.
Cùng với nước, cơm thốt nốt cũng là hàng hóa thu hút nhiều khách du lịch phương xa tới đây tham quan. Cơm thốt nốt màu trắng ngà, mềm, dai, giòn giòn, ăn khá khoái khẩu khi cho thêm chút đường và nước đá đập nhuyễn.
Món ngon từ thốt nốt còn có thạch thốt nốt, được cho vào keo nhựa thanh sạch. Loại này chỉ cần ướp lạnh hoặc trộn với đá cây đập nhuyễn là đã cho ta thứ giải khát tuyệt hảo trong những lúc nắng nôi oi ả của mùa hè phương Nam dậy nắng lửa.
Nhưng tuyệt hơn cả là thạch thốt nốt. Loại này đã được các cơ sở sản xuất cho vào keo nhựa. Mua về, bạn chỉ việc mở nắp keo, dùng muỗng múc vừa thạch vừa nước cho vào ly với một ít nước đá đập, vừa quậy đều vừa nhấm nháp một cách sảng khoái.
Độc đáo hơn là bánh thốt nốt. Người ta lấy gạo Nàng nhen – đặc sản Bảy Núi - xay thành bột, ủ một đêm cho lên men, hoặc gạo xay xong, đem phơi khô và cất trong vòng một năm mới cho thứ bánh không mềm nhão. Lấy bột trộn với cơm thốt nốt (lựa cơm dày) và nước thốt nốt rồi gói trong tấm lá chuối theo hình chữ nhật, dẹp như chiếc bánh gói, xong đem hấp. Chừng tiếng đồng hồ, theo hơi nóng bốc ra từ nắp xửng là mùi thơm ngào ngạt gọi mời lan tỏa khắp xung quanh. Mở gói lá ra, bánh thốt nốt có màu vàng sáp trông rất bắt mắt.
Người ta còn làm bánh theo cách khác. Nhà văn Sơn Nam trong quyển “Gốc cây, cục đá và ngôi sao – Danh thắng miền Nam” đã mô tả: “… đặc sản là bánh thốt nốt. Như ta biết, thốt nốt là trái có xớ dày, chứa chất đường ngọt, phải mài xớ vỏ của trái, trộn với bột gạo, gói lại, hấp chín” (NXB Trẻ, 2006, tr. 115, 116). Tuy nhiên, tại chợ cửa khẩu Tịnh Biên, bánh thốt nốt được bán dưới hình thức giống như chiếc bánh bông lan, vàng ươm và đẹp mắt!
Với trái thốt nốt, cư dân vùng biên địa Bảy Núi kiếm sống cũng khấm khá. Đó có thể gọi là mùa “mật” của họ trong những ngày nắng lửa oi nồng.
Du lịch, GO! - Theo Phương Kiều - Thời báo kinh tế Sài Gòn, ảnh internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét