Đóng bè thám hiểm động rắn kinh dị (Kỳ 3)

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

(Tiếp theo) - Trong quá trình thám hiểm hang động, chúng tôi gặp nhiều nhất là những chú rắn to cỡ cổ tay, dài cỡ 2m, nhiều màu sắc.

Vào động rắn

Những ngày lang thang tìm hiểu ở “vương quốc” rắn rết dưới chân dãy Pha Luông (Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La), điều chúng tôi nhận thấy, là sự kính sợ của đồng bào với loài rắn. Người bản Thín bên cạnh còn dám bắt con trăn mò về trộm gà, lợn, để làm thịt, nấu cao, nhưng người bản Tưn thì tuyệt đối không bắt rắn, không giết hại rắn.
Ngay sát nhà ông trưởng bản Mùi Văn Ngọc, là nơi sinh sống của đại gia đình ông Mùi Văn Quân. Ông Quân là người Mường, gốc Hòa Bình, di cư lên đây từ 3 đời trước. Những kiêng kỵ với loài rắn gia đình ông không để tâm, nhưng riêng việc vào hang rắn thì vẫn không dám.


< Ông Quân bên miệng hang Tu Ngu.

Ông làm nghề buôn bán, từ buôn lợn, buôn gà, đến buôn trâu, đi lại ngang dọc trời đất, nhưng riêng với hang rắn Tu Ngu thì chỉ duy nhất một lần đi đến miệng hang lại quay trở ra.

Chuyện ông Quân vào động rắn Tu Ngu xảy ra cách nay đã 10 năm rồi. Đợt đó, nước suối cạn vì hạn hán lâu ngày. Miệng hang chỉ còn chút nước róc rách chảy. Bỗng nhiên, giông gió nổi lên, mưa như trút nước, lũ về ầm ầm. Lâu ngày không được đón nước, bầy cá màu mè xanh đỏ từ lòng núi bơi ra nhung nhúc, quẫy đạp ủng oảng. Ông Quân đem chài ra quăng, bắt được vô số. Tuy nhiên, mẻ chài tiếp theo, ông kéo lên lúc nhúc rắn, con nào con nấy bằng điếu cày. Hãi quá, ông bỏ lưới chạy tháo thân, không dám quay lại lấy bao cá nữa.


< Chặt bương đóng bè.

Nghe chúng tôi trình bày ý định vào hang Tu Ngu, ông Quân hào hứng lắm, nhưng vẫn e sợ. Sau khi chúng tôi thuyết phục, mời thêm mấy thanh niên bạo gan nữa, thì ông Quân đồng ý cùng vào hang thám hiểm. Riêng trưởng bản Ngọc thì nhất quyết từ chối, không dám dẫn chúng tôi vào hang rắn.

Vượt qua mấy rông núi, mấy vạt rừng, đến gần trưa, đoàn thám hiểm chúng tôi đặt chân đến miệng hang. Hang Tu Ngu nằm ngay dưới chân quả núi Pum Buốn. Minh, Quang, Vần, Hòa, Thành, là những thanh niên dũng cảm, gan dạ của bản, không sợ rắn trong động Tu Ngu. Có chúng tôi đi cùng, nên những thanh niên này cũng hào hứng, bạo dạn hẳn lên.


< Đóng bè.

Trên đường vào hang, ông Quân luôn miệng dặn dò chúng tôi phải giữ mồm, giữ miệng, không được ăn nói lung tung khi bước vào lãnh địa của rắn. Đứng ở miệng hang, nét mặt ông Quân có vẻ căng thẳng lắm. Ông rón rén từng bước, vạch từng bụi cỏ kẻo dẫm phải rắn, hoặc mạo phạm vào chỗ rắn ở.

Trong khi chúng tôi vạch từng bụi cỏ, tìm hiểu về rắn rết, thì nhóm thanh niên tiến vào rừng chặt bương, kéo ra chất đống ở miệng hang. Trong những hốc cây, bụi cỏ, hốc đá, kẽ đá, có vô số xác rắn to nhỏ, đã mục nát hoặc vẫn còn mới như thể con rắn vừa lột xong.

Đang vạch bụi cỏ, tôi chợt giật mình khi gặp cặp rắn đang phơi nắng. Thấy người lạ, chúng trốn vào bụi rậm. Ông Quân chạy đến xem và bảo đó là hổ trâu. Hổ trâu là loài bị giới bắt rắn săn lùng ráo riết. Chúng là loài rắn không có nọc độc, nên ông Quân không sợ.

Đứng ở miệng hang, nghe tiếng nước chảy ào ào, hơi nước từ trong hang phả ra mát rượi. Dọc con suối Lựp ngay cửa hang có rất nhiều cây to chắn ngang. Ông Quân vừa đi vừa ngó vào các hốc cây để tìm rắn mà tránh.


< Cảnh vượt suối ngầm trong hang bằng bè.

Miệng chính của hang Tu Ngu rộng bằng cả ngôi nhà. Nước từ con suối chảy vào động như thể con rồng há miệng hút nước. Mấy thanh niên bản Tưn đẽo gọt những cây bương, rồi dùng lạt buộc lại thành một chiếc bè. Chiếc bè ấy đủ sức tải vài người và chịu được va đập mạnh.

Người dân ở bản thường chỉ dám bắt cá ở miệng hang. Ai gan dạ vào trong hang thì cũng phải chờ mùa nước cạn, dòng suối Lựp ít nước, chảy nhẹ. Mùa lũ, nước chảy ồng ộc, cuốn văng mọi thứ vào hang. Những súc gỗ cũng mất hút trong bụng núi chứ nói gì đến con người và chiếc bè mong manh. Vào mùa khô, khí trời lạnh lẽo, bầy rắn trốn trong hang sâu, nên cũng ít nguy hiểm.


< Da rắn đã lột trong hang.

Chiếc bè bương được thả xuống miệng hang. Chiếc dây thừng được cột chặt vào bè. Cậu thanh niên tên Quang nhảy xuống bè, 4 thanh niên trên bờ giữ dây thừng. Dây thừng được thả ra chầm chậm, cho đến khi bè nứa trôi tuột vào trong hang. Quang ra hiệu, cả nhóm lại hò dô kéo bè ra khỏi hang. Qua thử nghiệm thấy rằng nước trong hang chảy không quá xiết, nên chúng tôi cũng nhảy xuống bè. Bè trôi vào lòng hang chầm chậm dưới sự điều khiển của Quang.

Càng đi sâu vào trong, lòng hang càng mở rộng. Nước cũng đỡ chảy xiết hơn. Tuy nhiên, chiếc bè bập bềnh khiến chúng tôi luôn phải cố hết sức mình bám vào bè cho khỏi rơi ra ngoài. Trong số 5 người đi, duy chỉ có ông Quân là có thể đứng vững bằng đôi chân của mình. Trái với việc đi trên cát mịn để khám phá hang trăn ở bản Thín, vào hang rắn Tu Ngu ai cũng cảm thấy hơi lo sợ.

< Một con rắn lạ trong hang.


Ngồi trên bè, chúng tôi cố gắng nhìn theo ánh đèn pin mà ông Quân chiếu vào. Thỉnh thoảng mới nhìn rõ được vài chú rắn với đủ các loại màu sắc, kích cỡ. Và cũng chỉ trong tích tắc, chúng đã trốn biệt. Lòng hang mở rộng, phía trên là vô số nhũ đá với đủ hình thù khác nhau. Trong các hốc đá đen ngòm, tối như hũ nút, thi thoảng có chú cá giật mình quẫy ủng oảng.

Đến giữa hang, chiếc bè đã trôi chậm hơn, chúng tôi mới cảm thấy đã được an toàn. Theo các cụ kể lại, hang động này dài khoảng 5km, có nhiều ngóc ngách, đỉ cả ngày không hết. Nếu cứ đi theo trục chính, thì sẽ xuyên qua dãy núi và đổ về dòng sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Nếu như ở hang Hằng, loài trăn nằm cuồn mình trên hõm đá, thì ở hang Tu Ngu, dù nhiều rắn song chúng rất nhát người. Hễ liếc đèn pin, soi vào chúng, lập tức chúng lẩn mất trong các hốc sâu. Chúng tôi phải thật nhanh tay, mới chụp được vài tấm hình, khi bọn rắn còn chưa kịp chạy tháo thân.

Trong quá trình thám hiểm hang động, chúng tôi gặp nhiều nhất là những chú rắn to cỡ cổ tay, dài cỡ 2m, nhiều màu sắc. Điểm dễ nhận biết nhất ở loài rắn này là có một đoạn thân màu đỏ dài cỡ gang tay ngay dưới cổ.

Hỏi ông Quân đây là loài rắn gì, ông Quân cũng lắc đầu không biết. Ông cũng không biết chúng là rắn độc hay rắn nước. Điều lạ là loài rắn này chỉ trú ngụ trong hang sâu. Chúng không bao giờ mò về bản, và cũng không rời xa quả núi này.

Sau một hồi đẩy bè trôi dọc dòng suối ngầm, chúng tôi dùng sào ra sức đẩy ngược bè ra khỏi hang. Còn vô số ngóc ngách, với những vách đá bí ẩn, nơi trú ngụ của nhiều loài rắn, song chúng tôi không tiếp tục khám phá được, vì không ai dám dẫn đi.
Động rắn Tu Ngu vẫn chìm trong bóng đêm bí ẩn. Nó cần đến bước chân quả cảm của những người ưa khám phá.

Hết
- Hang rắn, thánh địa của mãng xà (Kỳ 1)
- Động rắn dưới chân dãy Pha Luông (Kỳ 2)
- Đóng bè thám hiểm động rắn kinh dị (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo VTC News

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc