Động rắn dưới chân dãy Pha Luông (Kỳ 2)

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

(Tiếp theo) - Trong bầy rắn ấy, có một con đầu đàn, mình dài như cây nghiến, miệng há to bằng cái nong, lại có râu, có mào.

Cuộc chiến của bầy rắn

Người hiểu rõ nhất về động rắn Tu Ngu, cũng như vương quốc của loài rắn ở Pha Luông là cụ Đinh Văn Phong. Cụ Phong là người Thái, năm nay đã tròn 90 tuổi, sống lâu năm nhất ở bản Tưn giữa đại ngàn Xuân Nha (Mộc Châu, Sơn La).

Dáng người còm nhom, quắt queo tuổi già, nhưng cụ có trí nhớ rất tốt. Nhắc đến chuyện thần rắn, động rắn, đôi mắt cụ bỗng sáng lên, câu chuyện thêm phần hào hứng. Cụ với chiếc gậy, lò dò ra hiên nhà, phóng tầm mắt lên dãy Pha Luông chìm trong mây mờ.

Cụ Phong bảo, trên lưng dãy Pha Luông có một cái động khổng lồ ít người biết đến. Thời chống Pháp, cụ dẫn nghĩa quân Tây Tiến vượt dãy Pha Luông sang nước bạn Lào đã tìm thấy cái hang đó.


< Dãy Pha Luông.

Hang nằm trên lưng dãy Pha Luông, không có lối đi, phải bám vào đá mà trèo. Có nhiều ngóc ngách dẫn vào hang. Miệng hang tuy nhỏ, nhưng trong lòng hang cực kỳ rộng lớn, đủ làm một cái sân bóng. Trong hang có hàng ngàn tổ ong đá, với hàng tỉ con ong hàng ngày bay ra khỏi hang lấy mật.

Điều đặc biệt là trong hang có hàng ngàn con trăn, toàn những con thân to bằng cái phích. Bầy trăn nằm khoanh tròn trong các kẽ đá, mái đá, vắt thân lủng liểng trên các cột nhũ đá. Trăn ở động này nhiều và lớn hơn trăn ở hang Hằng bản Thín rất nhiều.

Những năm 40 đến 60 của thế kỷ trước, cụ Phong cùng đám thanh niên trong bản thi thoảng vẫn vào động trăn khổng lồ đó, nhưng sau này thì không ai lên đó nữa. Rừng già rậm rạp bít lối, hang trăn đã bị lãng quên. Theo cụ Phong, để đến được động trăn, phải mất 2 ngày leo núi.

Về hang Tu Ngu ở bản Tưn, theo lời cụ Phong, cũng có rất nhiều rắn. Xưa kia, rừng trải ngút tầm mắt, núi đá vôi nên rắn nhiều vô kể. Đồng bào bản Tưn tôn trọng rắn, không bắt chúng làm thịt, nên chúng kéo về rất nhiều. Những ngày trời nắng ấm, rắn từ trong hang kéo ra phơi kín quả núi đá vôi, vắt vẻo cuốn thân trên những cành cây mọc ra từ kẽ đá.


< Cặp rắn chúng tôi chụp được ở ngay miệng hang Tu Ngu.

Điều đặc biệt là đồng bào bản Tưn đi qua khu vực hang Tu Ngu, nhìn thấy rắn thì tránh đường, chứ không dám làm kinh động đến nơi ở của chúng. Việc đồng bào bản Tưn không ăn thịt rắn, không bắt rắn bắt nguồn từ một truyền thuyết xa xưa. Theo truyền thuyết, động rắn này được tạo ra bởi một người anh hùng trong bản.

Khi đó, đất trời còn chưa phân biệt rạch ròi. Dân các bản khắp vùng Pha Luông sống cảnh ngập lụt lầm than mỗi khi trời trút mưa lớn. Hàng ngàn con suối cùng đổ về, thành những con sông lớn nhấn chìm các thung lũng, nơi sinh cơ của con người.

Trong bản có một dũng sĩ sức mạnh hơn người, tên là Ải Lậc Cậc. Ông đã huy động dân bản đắp một con đập ngang sông Lựp. Khi việc đắp đập chuẩn bị hoàn thành, thì một người trong đoàn trêu: “Ông về đi, vợ ông vừa bị hổ ăn thịt rồi”. Mọi người tưởng ông sẽ vứt công việc đó mà trở về, nhưng ông bảo: “Vợ chết thì lấy vợ khác”. Ông không thèm để tâm nữa, mà tiếp tục làm việc.


< Gom luồng đóng bè vào động rắn.

Một người khác lại giở trò: “Con ông vừa bị rơi xuống suối chết đuối rồi. Ông về ngay đi”. Lần thứ hai nghe mọi người nói đến sự chết chóc, ông bỗng ngừng tay. Tuy nhiên, nếu bỏ dở việc mà về, công trình này sẽ không hoàn thành được. Ông bảo với mọi người: “Con chết thì đẻ đứa khác”. Ông lại lao vào làm việc, mặc cho mọi người thử lòng dạ của mình.

Thế rồi, một người khác trong đoàn liền bảo: “Mẹ ông vừa mất xong. Ông phải về ngay”. Nghe người trong nhóm nói vậy, ông Ải Lậc Cậc gầm lên như mãnh thú, phóng cây lao vào núi đá rồi chạy về nhà. Cú phóng lao cực mạnh đã xuyên thủng lòng núi, tạo thành hang động. Thế là nước từ các thung lũng chảy qua núi đổ về sông Mã. Từ đó, bản làng không bị ngập lụt nữa.

Câu chuyện dân gian đầy sự sáng tạo này giải thích cho một hang động kỳ lạ với dòng suối ngầm tuôn nước dữ dội này đêm. Truyền thuyết hoang đường nhưng gắn chặt với đời sống tâm linh của đồng bào.

Sau khi hang động thành tạo, thì bầy rắn màu đỏ kéo đến sinh sống. Trong bầy rắn ấy, có một con đầu đàn, mình dài như cây nghiến, miệng há to bằng cái nong, lại có râu, có mào. Thân là rắn, nhưng đầu lại giống rồng, có cả nanh vuốt. Con người, loài vật đều không dám đến lãnh địa của bầy rắn lớn này.

Một ngày, bầy rắn xanh khổng lồ từ biển, ngược sông Mã, tìm đến chân núi Pha Luông, đòi ăn thịt bầy rắn đỏ. Hai đàn rắn đánh nhau nhiều ngày đêm không phân thắng bại. Những cánh rừng bạt đi vì sự hung dữ của chúng. Nhưng rồi, bầy rắn xanh từ biển kéo đến càng đông, khiến bầy rắn đỏ trong hang đuối sức. Con rắn đầu đàn đã biến thành người, tìm đến bản Tưn cầu cứu dân làng. Con rắn thỏa thuận với con người rằng, nếu giúp chúng đánh đuổi bầy rắn xanh, chúng sẽ tạo ruộng nương giúp con người.


< Miệng hang Tu Ngu nước chảy dữ dội.

Dân các làng bản dưới chân núi Pha Luông với cung tên trong tay, tìm đến cửa động. Bầy rắn xanh hễ thò đầu lên là bị bắn chết. Biết không đấu lại con người, chúng rút ra biển lớn, không quay lại quấy nhiễu nữa. Thoát chết, bầy rắn đỏ cảm kích dân bản và thực hiện lời hứa. Con rắn đầu đàn dặn bà con rằng, trong vòng 9 ngày, trời sẽ nổi giông gió, khắp nơi là bóng đêm, khí lạnh tràn ngập, rét cóng. Nó dặn bà con tích trữ lương thực, củi đốt đầy đủ và ở trong nhà. Chỉ khi nào nó ra hiệu, bà con mới được mở cửa ra ngoài.

Đúng như lời con rắn đầu đàn, trời đang sáng, bỗng trở thành đêm đen. Trời đất rùng rùng chuyển động. Bầy rắn san nhiều ngọn núi, lấp đầy thung lũng, tạo nhiều ruộng nương. Chúng hô mưa gọi gió tưới nước ngập ruộng đồng.
Trong suốt những ngày đó, bà con không ai dám ra ngoài. Đến ngày thứ 9, khi công việc tạo ruộng nương sắp hoàn thành, một người phụ nữ đã tò mò mở cửa ra ngoài.


< Đi bè thám hiểm động rắn Tu Ngu.

Bỗng nhiên đám rắn kia chui cả xuống lòng đất, tạo thành những hố sâu hoắm. Những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa như những dải lụa mềm kéo dài vô tận. Duy có một thửa ruộng gần hang Tu Ngu thì đàn rắn đang làm dang dở, mặt ruộng có vô số lỗ thủng, nơi mà rắn đã phải chạy trốn vì dân làng không thực hiện đúng những gì rắn chúa căn dặn.

Mảnh ruộng làm dang dở đó hiện vẫn còn ở cửa hang Tu Ngu. Mỗi khi mưa lớn, mảnh ruộng biến thành hồ nước lớn. Hồ nước cũng lại cạn nhanh bởi hang động hút sạch nước. Tưởng nhớ công ơn bầy rắn đỏ, dân bản đã lập đền thờ. Mỗi năm, dân bản lại mổ trâu tế lễ ở ngôi đền này.

Trước Cách mạng Tháng 8, các vị chức sắc ở Mộc Châu đều phải vào đây làm lễ. Lễ tế diễn ra rất long trọng và trang nghiêm. Dân làng mổ mấy con trâu rồi mang ra đền thờ cúng. Nơi đặt đền thờ có 4 cột gỗ tượng trưng cho việc chống trời và biết ơn tới đàn rắn đỏ. Việc cúng lễ bị gián đoạn khi chiến tranh xảy ra. Đến thờ cũng dần trở thành phế tích, giờ chỉ còn bãi đất. Bà con đã trồng dong giềng lên đó.

< Nhũ đá trong hang Tu Ngu.

Mỗi khi có hội là bản làng vui lắm. Ông chủ tế phải là vị có chức sắc ở châu huyện. Họ làm hình 2 con vật nửa rắn nửa rồng dài hàng chục mét. Việc tế lễ diễn ra trong 2 ngày mới xong. Từ ngày ngôi đền bị phá bỏ, việc tế lễ cũng không thực hiện nữa. Có một điều là riêng hang rắn thì ít người dám vào. Họ coi nơi đó là khu đất thiêng của rắn.

Còn tiếp…
- Hang rắn, thánh địa của mãng xà (Kỳ 1)
- Động rắn dưới chân dãy Pha Luông (Kỳ 2)
- Đóng bè thám hiểm động rắn kinh dị (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo VTC News

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc