Từ Vạn Giã: gió biển, mưa dầm lên Đạ Sar (P19)

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

(Tiếp theo)
Đèo Hòn Giao: một con đường tuyệt đẹp xẻ ngang trùng điệp núi rừng nguyên sơ và nhiều lúc bảng lảng sương mù được thành hình, nối Đà Lạt - thành phố hoa với Nha Trang - thành phố biển. Không chỉ là con đường đẹp, đó là con đường của sự phát triển.

< Con đèo được khoét sâu vào những mạch đá cứng, ngày nay đã bắt đầu phủ cỏ xanh.

Con đường cứ thế đâm xuyên qua những lớp lớp đồi núi thấp cỏ xanh mượt, với những bản làng mộc mạc, nhỏ bé của người Cil, K’Ho bản địa rồi băng qua những trang trại trồng hoa mang dáng dấp nền nông nghiệp hiện đại phương Tây...

< Thanh vắng, trời vẫn nắng khá gắt nhưng không hề thấy nóng vì độ cao tại đây cũng bằng cỡ Gia Nghĩa.
Xa xa, đính núi còn vờn mây...

Nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là lữ khách được đi trong bức tranh vĩ đại của thiên nhiên về những cánh rừng thông còn trinh nguyên mới lạ với cảm giác như ta đang đi trong một chốn nào đó ở châu Âu.

< Bắt gặp một 'đồng liêu' trung niên đang gò người trên chiếc xe đạp với hành trang đầy đủ từ vỏ ruột xe, kể cả chiếu nằm - Ông vẫy tay chào, tuyệt lắm một phượt gia chính hiệu 'Con nai vàng'.

Người Cill gọi buôn K'Lon K'Lăn (K’Long K’Lanh) của mình là thung lũng trăn. Sự tích về một thung lũng trăn được nhiều già làng kể lại trên xứ sở rừng già này. Ngày xưa trăn nơi này nhiều lắm, trăn sống trong các hang đá lạnh, bên các dòng suối. Những buổi đẹp trời, những con trăn trườn mình lên thảm cỏ phơi nắng, vảy trăn lấp lánh dưới mặt trời.

< Đến độ cao ngàn mét. Lỗ tai mình lùng bùng từ đoạn dưới nên bây giờ không còn si nhê gì.

Đất xưa lành, tổ tiên chọn, nay cháu con vẫn đậu. Nay! mảnh đất này đang là nơi nhiều dự án phát triển kinh tế, xã hội đang chờ. Trong đó những hồ cá nước lạnh nằm sâu trong rừng già là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách gần xa khi đi qua cung đường này.
< Hạt Quản lý Cầu đường Khánh Vĩnh 2, cũng là chốt kiểm lâm. Nơi này sẽ bận rộn nhất trong mùa mưa bão, lúc lở đường.

Cứ như vậy, bên những ché rượu cần cùng sắc thắm mai anh đào rực rỡ. Những câu chuyện xuyên đêm trong tiếng hú của rừng già như mời gọi du khách, đặc biệt những chàng trai trẻ mê văn hóa Tây nguyên như tôi chinh phục và khám phá.
< Gần đó là chiếc cầu to bắt ngang con suối đá: ít nước nhưng đá tảng nhiều. Mình dám chắc là trong mùa mưa lũ, nước sẽ nhiều lắm do quy mô cầu khá lớn.

Lướt qua khỏi những cánh rừng lá kim miền cao nguyên Lang Bian là tới những cánh rừng lá rộng nhiệt đới xanh ngắt thuộc địa phận Hòn Giao của tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, máy GPS - máy định vị toàn cầu - xác định: vị trí cách mặt nước biển 1.700m...
< Vỏ ruột sau mới thay không lâu, phía trước thì còn tốt - keo vá nhanh, ống bơm đạp đem theo đầy đủ nên mình không ngại. Chỉ sợ ở cái phần máy: duy nhất chỉ có bugi sơ cua cùng sợi cáp ambraya. Vậy nhưng chạy vẫn ổn dù lên dốc cao có tiếng lạ trong máy...

Đây cũng là khu vực của rừng cổ sinh Bidoup (thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà mới được lập, với diện tích đến 64.800ha) đặc biệt của VN, nơi duy nhất trên thế giới được xác định còn lại loài cổ thực vật: thông hai lá dẹt (tên khoa học Pinus krempfii, xuất hiện cùng thời với khủng long)...

< Qua một cua gắt thì bọn mình thấy cái thác này: tít trên cao, thác đổ xuống theo triền đá đen trong như một mái tóc xõa. Đã dừng nhiều nên bây giờ lười không dừng lại tìm góc ảnh tốt, mình lại cứ nghĩ rằng một hồi sẽ chạy ngang, gần hơn... nhưng không phải.

< Người ta nói không ngoa về khung cảnh tuyệt vời khi đi trên cung đường nối biển và hoa. Hơn 2 năm trước đi tour đâu có dịp thưởng lãm tường tận như vậy.

... Ở đây mỗi sáng ra, đến 8 giờ mù sương vẫn còn bao phủ. Và chiều lại, độ 15-16g trở đi, những “thung lũng mù sương” phiêu bạt đó lại sà xuống con đường.
< Lại một con thác khác trên đường. Chốn này có những 2 thác nhỏ cách nhau chừng 50m với thác đầu tiên như những bậc thang thiên tạo.

< Còn dòng thác kia đây, những thác nhỏ cao chừng mươi mét thôi nhưng nước trong vắt, mát rượi.

< Thác thứ 3 là thác 'nửa kia', đang 'lấy đi những bức ảnh, chỉ để lại những dấu chân'...
Cùng lúc này, mình nhận ra rằng chai nước tinh khiết treo phía sau đã bung móc rớt từ thuở nào rồi! Vậy nhưng một may mắn nhỏ là trước đó, bà xã đã châm vào hai chai con để uống nhanh dọc đường.

< Lại đi. Vài cây số sau thì thấy tốp thợ cầu đường đang khảo sát gì đó ven đường.

< Đoạn này nắng nhưng phía trước lại phủ sương mù.

Trên con đường là cảnh sắc bồng lai với rừng thông ngút ngàn, mùa hoa đót mơn mởn lung lay trong gió, những buôn làng miền thượng của cư dân Cill và những con người “xứ núi” hiền hòa, phóng khoáng. Dòng sông Đa Nhim bắt nguồn từ những con suối Hung Jau, Liêng Sú và Dưng T'Vó vẫn đêm ngày chảy mãi về xuôi làm nên dòng điện dâng đời. Đi qua nơi thượng nguồn này mà ngàn xưa cư dân ở đây vẫn phải sống trong u tịch, trong đêm trường gió hú...

< Rồi bọn mình dừng lại tại nơi đây, chốn có dòng thác thật đẹp. Hai ổ bánh mì mua tại Nha Trang được đem ra 'xử lý' với phô mai bò cười - sẳng dịp thanh toán luôn hai miếng bánh kỳ lạ, vừa ngọt vừa dai như loại bánh tráng nếp.

< Nước trên cao thác đổ rì rào...

... Nhìn vào những vách núi đá sừng sững hai bên đường đủ thấy khả năng vô hạn đến kỳ lạ của sức người. Gọi đúng tên thì đây là một con đèo được tạo ra từ việc đục thủng những vách núi đá. Người yếu tim có thể choáng bởi những vách đá cao đến 300m, rồi những sườn núi được bạt ra ngoạn mục, ưỡn ngực nhìn xuống lòng đường bé tí.
< ... Nàng ngồi nhìn ngắm ngỡ vì sao...

Vào mùa hè thường có những tốp du khách Tây đạp xe chinh phục con đường đèo này. Đôi khi các du khách Tây ba lô Canada, Anh, Mỹ... nghe nói có con đường mới mở nối rừng với biển như thế này lập tức đề nghị làm tour liền. Họ không chịu đi du lịch bằng xe hơi, và càng không muốn đi trên những con đường “già” xưa nay - vậy là họ thuê xe môtô và người chở để có thể thưởng lãm trọn vẹn cung đường nối xứ biển và hoa.
< Người ta nói 'Ăn no tắm mát' cũng có dụng ý. Vậy nên dù khoác những 2 lớp áo dày chống lạnh nhưng mình cũng cởi bỏ và nhào vô thử sức với dòng nước.

Mát lạnh, nước từ dòng thác lộp bộp lên đầu và vai không khác gì massage. Thỏa rồi mới nhận ra rằng: Đi đèo Hòn Giao mà không tắm thác thì... phí cả nửa đời đấy bạn.

< Lúc đầu tiên vốc nước lên rửa mặt, bạn sẽ thấy rằng nhiệt độ không khác gì nước đá trong tủ lạnh. Vậy nhưng dần bước trong dòng nước, cảm giác lạnh cóng cũng sẽ mất dần đi, thay bằng một cảm giác khoan khoái vô cùng!
Khi nào có dịp thì hãy thử, bạn nhé.

< Giữa trưa nhưng trời vẫn u u. Tiếng xe vẫn đều đều vang vọng giữa núi rừng...

Trong mùa cuối năm: gần 10km đi qua eo đèo Hòn Giao, nơi được xem là “eo vương” của đường bộ phương Nam đang phủ một lớp sương dày mù mịt. Chính eo đường qua đỉnh Hòn Giao này được xem là cao nhất, gây trở ngại lớn cũng như nguyên do khiến con đường nối Nha Trang lên Đà Lạt này được xây dựng sau cùng so với các tuyến đường nối duyên hải với Tây nguyên còn lại...
< Mình lại dừng chiếc Win bên một khoảng trống: mé bên kia lại là một con thác khác như nhúm chỉ trắng tuôn xỏa xuống triền đá, cao hàng trăm mét so với vực sâu (bấm ảnh hay open new tab để xem ảnh 800x600).

< Cạnh đó là vực sâu, rất sâu...

... Có thể đã 11g trưa nhưng tầm nhìn trên tuyến đường chỉ khoảng 2m trở lại. Hai chiếc xe máy đi gần nhau mà không nhìn thấy nhau do sương mù, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe khách chạy ngược chiều đi quét lên ánh đèn yếu ớt. Càng lên cao phía đỉnh Hòn Giao, trời càng lạnh buốt.
Trên những vách đá bên đường, những ngọn thác không tên cao khoảng 7m cứ chảy xuống theo lèn đá tạo thành một vạt trắng trong sương tuyệt đẹp. Hòa cùng tiếng thác là tiếng gió vút lên từ dưới thung lũng, hơi thở của lòng núi như lạc vào xứ sở bồng lai nào đó.

< Từ nơi này có thể bao quát tầm mắt nhìn thấy cả con đường mình đã đi qua ở phía dưới, thấy cả đường sắp đi ở phía trên...

< Chạy qua một đoạn thường bị lở nên người ta đang làm kè đá.

Nói về những dòng thác bắt gặp trên đèo thì nhiều lắm nếu bạn vượt đèo trong mùa mưa. Từ những dòng thác nhỏ với dòng nước trong veo chạy róc rách ven đường đến những thác lớn hơn, cuộn nước qua những bật đá như nấc thang của thượng đế tạo dựng rồi đổ ầm xuống hồ nước ven đường - xuyên qua cống dẫn và đổ ra ngoài taluy dương. Lại có những dòng thác như lọn tóc mây trắng bạc xỏa dài đổ xuống từ hàng trăm mét trên cao giữa khung cảnh hùng vĩ.

< Lán của thợ xây dựng - sửa chữa đường. Phía trước là một xe bồn đang lên dốc. Đi trên đèo đôi khi gặp cảnh này: chạy sau xe tải hay xe bồn vừa chậm vừa nguy hiềm nếu xe mất thắng - Tuy nhiên muốn vượt qua nó cũng không dễ dàng gì: bạn cần cẩn thận chọn khoảng đường rộng, thẳng, nhìn kỹ phía trước rồi nhấn còi vượt lên.

< Lúc này trời không còn nắng nữa, những ngọn gió gai gai lạnh bắt đầu thấm vào cổ áo.

Với độ dài 33km, đèo Hòn Giao trên cung đường này có lẽ sẽ trở thành đèo dài nhất VN (đèo Phađin ở Tây Bắc, nằm giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên 32km, hiện là đèo dài nhất VN). Người ta nói: “Đèo nào càng hiểm trở thì càng đẹp, lãng mạn. Ở VN con đèo này là hiểm trở nhất!”. Vậy nhưng đèo Hòn Giao chử hẳng là hiểm trở theo nhận xét của nhà phượt vì đường rộng, không quá dốc... nhưng điều không thể chối bỏ được là đường đèo dài và đẹp tuyệt vời!

< Đến độ cao 1200m, hôm nay trời tốt nên không thấy sương mù. Vậy nhưng bọn mình lầm: vài tiếng nửa thôi, một trận mưa mà mình khó diễn tả được sẽ trút xuống hai kẻ lãng du - nhưng đó là hồi sau.

< Quanh co bên sườn núi, lúc này vẫn còn trong địa phận Khánh Hòa.

Một số kinh nghiệm khi vượt đèo Hòn Giao

- Với đường đèo có độ cao lớn với nhiều khúc cua. Vậy nên nếu có thể thì bạn nên dùng xe số. Trước khi đi phải kiểm tra máy móc, thắng, đèn, còi và thay vỏ ruột mới.

< Có những lúc qua năm bảy cây số vẫn không thấy bất kỳ chiếc xe nào, đường vẫn thật tốt như bạn thấy. Ngoài ra, lúc này cũng bớt những dốc cao.

- Những ngày cuối năm, đèo Hòn Giao rất lạnh nên cần mặc áo khoác dày, bao tay, khăn quàng cổ và đặc biệt là áo mưa. Áo mưa thì nên để nơi nào dễ lấy để mặc ngay khi có cơn mưa bất chợt.
< Trạm  Quản lý Bảo vệ rừng Sơn Thái, vẫn thuộc tỉnh Khánh Hòa.

- Khi chạy xe lên đèo nên cài số 2 để tránh xe bị ì máy. Phải bật đèn khi đi qua màn sương, liên tục bóp còi khi đi qua những khúc quanh vì tuyến đường nhiều lúc có nhiều phương tiện lưu thông qua lại chạy ngược chiều (TTO).

< Bảng cao độ 1500m so với mực nước biển. Vậy nhưng nếu dùng máy GPS định vị toàn cầu có thể thấy thêm vị trí cách mặt nước biển 1.700m.

- Dừng xe ngắm cảnh vật cần dựng xe mép ngoài cùng, có tránh đậu phía ngoài cua gắt, cẩn thận khi đứng ngoài các mép vực để săn ảnh nhất là những lúc gió mạnh.
< Đường vẫn dốc quanh co nhưng thoải nên tốc độ lúc này mình vọt tầm 50km/h. Mốc ven đường cho biết còn hơn 50km nữa mới đến trung tâm thành phố Đà Lạt.

- Các thác có nước trong đều có thể tắm được. Thoạt đầu có thể thấy lạnh nhưng cảm giác này sẽ giảm sau mươi giây. Không tắm tại thác mà tầm nhìn của bạn không thấy đỉnh thác để tránh đá rơi. Tắm thác - suối: mình nghĩ sẽ tốt cho sức khỏe nếu thể trạng bạn không quá yếu.
< Trạm kiểm lâm Hòn Giao, đồng lúc đó cũng có biển báo đã vào địa phận tỉnh Lâm Đồng. Lúc này đã hơn 12h trưa ngày 15/10/2012.
Xứ hoa đây, nhưng nơi này chưa có hoa. Xứ thác nhưng thác tại đèo Hòn Giao đã hết rồi à? Phải nhưng cũng không phải, chỉ một tý nữa thôi bọn mình sẽ thấy một thác nước đẹp không thể tả được...

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 cuối

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Blog Du Lịch © 2011 | Designed by Mac Phong, Hosted by Am thuc